Câu chuyện càng trở nên thiếu công bằng sau khi nhà nước hỗ trợ cho những gia đình khó khăn sau khi dịch COVID-19 đi qua. Các tiêu chí bình xét dù rõ ràng nhưng lại xảy ra nhiều bất cập cho đến khi sự thật được phơi bày, những bài học mới được rút ra. Nghèo hóa ra lại… không nghèo.
Thoát nghèo vì... nghèo hơn hộ cận nghèo
Việc bình xét hộ nghèo và hộ cận nghèo thường diễn ra vào tháng 11 hàng năm nhưng sau gần nửa năm trôi qua, việc bình xét này lại hay phát sinh những vấn đề bất thường và gây nên những bức xúc trong dư luận. Thay vì vui mừng khi được thoát nghèo, nhiều người dân lại cảm thấy ấm ức và muốn… tiếp tục nghèo bởi bản thân họ còn nghèo hơn cả hộ… cận nghèo.
Năm 2019, gia đình bà Bùi Thị Nhứm ở xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình vẫn còn là hộ cận nghèo, nhưng năm nay đã thoát nghèo. Điều này khiến bà Nhứm không những chẳng vui mà còn bức xúc mặc dù điều kiện kinh tế của gia đình không quá khó khăn.
1 con bò cái, tủ lạnh, ti vi định giá mỗi cái 4 triệu đồng, 2 cái quạt 500.000 đồng. Tài sản nhà bà đáng giá như thế thôi nhưng bà thấy mình chưa xứng đáng thoát nghèo. Đó cũng là tâm lý của nhiều hộ gia đình khác ở xã này.
Theo ông Bùi Văn Nhậng, năm 2019, xã vẫn có hộ cận nghèo. Năm nay lại không còn hộ nào. Nhưng thực tế lại càng nghèo thêm chứ không phải là giàu.
Được thoát nghèo với nhiều hộ gia đình ở đây không phải là niềm vui mà là nỗi khổ bởi theo họ, nhà giàu vẫn được gắn danh nghèo hoặc cận nghèo. Minh chứng không đâu xa mà ngay sát vách nhà bà Quách Thị Chiên bởi gia đình ấy cái gì cũng có nhưng vẫn được nhận tiền hỗ trợ an sinh.
Hộ cận nghèo đúng là ở gần... hộ nghèo.
Mập mờ quy trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo
Hộ khá giả, có điều kiện, lại lọt vào danh sách hộ cận nghèo. Câu chuyện mới chỉ nghe thôi cũng đủ thấy hoang đường. Điều này sẽ còn trở nên phi lý hơn nữa khi việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm vốn là một quy trình rất kín kẽ và phải được công khai, minh bạch.
- Trước tiên, các điều tra viên phối hợp với cán bộ chuyên trách giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn và đại diện tổ chức đảng, đoàn thể để xác định danh sách các hộ gia đình cần rà soát trên địa bàn. Cách thức rà soát sẽ theo mẫu phiếu của bộ lao động thương binh và xã hội quy định cho từng khu vực.
- Tiếp đó sẽ tổ chức họp dân thống nhất kết quả rà soát. Kết quả biểu quyết phải có trên 50% số người tham dự đồng ý thì kết quả mới được thông qua.
- Kết quả sau khi được thông qua sẽ được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, nhà sinh hoạt thôn và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 07 ngày làm việc. Trường hợp có khiếu nại của người dân, Ban giảm nghèo xã cần tổ chức phúc tra lại kết quả rà soát theo đúng quy trình.
- Sau đó xã sẽ báo cáo, xin ý kiến thẩm định của UBND cấp huyện.
Quy trình được tạo ra với một chuỗi liên kết công việc và trách nhiệm của các cán bộ từ cấp thôn, xã đến cấp huyện. Nhưng chỉ cần một công đoạn trong quy trình này vì bất kỳ lý do gì trở nên đứt gãy sẽ tạo ra ngay những kết quả sai lệch. Từ đây, rất nhiều "con voi" đã có thể chui lọt qua "lỗ kim".
Bình xét hộ cận nghèo: Cháy nhà mới ra "mặt chuột"
Ở vùng đặc biệt khó khăn như xã Quý Hòa, nhiều hộ cận nghèo lại có những cơ ngơi hoành tráng hơn người như gia đình Bí thư chi bộ xã, Trưởng cựu chiến binh xóm, công an viên kèm phó phường xóm hay Bí thư chi bộ xóm.
Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra… Thực tế bất hợp lý này khiến nhiều người cảm thấy bất bình. Những lá đơn đề nghị yêu cầu UBND xã làm rõ sự việc cứ thế được gửi đi nhưng chưa cái nào có hồi đáp.
Mặc dù những người có trách nhiệm trong việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo ở xã đều khẳng định họ làm đúng quy trình nhưng nhiều người thân của họ đã hiện diện trong danh sách ấy.
Chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo
Không ai muốn mình thực sự nghèo nhưng khi cái nghèo không còn là thước đo để đánh giá chất lượng cuộc sống mà trở thành danh xưng mang lại cho người nhận những lợi ích, người ta lại không còn sợ nghèo nữa.
Theo chính sách, hộ nghèo hay hộ cận nghèo luôn nhận được rất nhiều chế độ ưu đãi của Nhà nước. Điều này cũng phần nào lý giải được nguyên nhân, tại sao, nhiều người vẫn thích nghèo và nhiều cán bộ thôn xóm dù điều kiện vật chất dư giả vẫn muốn mình mang danh... nghèo.
Vì sao cán bộ thích cho người thân cận nghèo?
Xã Quý Hòa thuộc vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn, với hơn 700 hộ nghèo và cận nghèo. 2,5 tỷ đồng là số tiền ngân sách đã được rót về địa phương để hỗ trợ bà con do dịch bệnh COVID-19.
Cũng từ đây, sự gian dối trong việc bình xét hộ nghèo mới dần sáng tỏ. Chính sách thay vì phải về với đúng đối tượng thì giờ ai cũng có thể luân phiên nhau thụ hưởng như một món hời. Chẳng thế mà cứ hễ năm nào đến phiên ai là người đấy liền cất ngay nhà mới.
Bà Bùi Thị Sự, Vợ trưởng thôn Rậm Kẻm, Hộ cận nghèo năm 2020 cho biết năm nay nhà bà làm nhà nên xin bình xét hộ cận nghèo từ tháng 10/2019 để được vay vốn Nhà nước làm nhàcho đỡ lãi suất. Mặc dù bà bảo không biết xin ai nhưng chính chồng bà, trưởng thôn Bùi Văn Thâm, lại có quyền đưa cả nhà vào danh sách hộ cận nghèo.
Chị Bùi Thị Linh, cán bộ phòng LĐ-TB&XH, cũng đã đưa 3 trường hợp không xứng đáng vào danh sách này. Trong đó 2 người là bố đẻ và anh rể. Người còn lại là đồng nghiệp làm cùng UBND xã, anh Bùi Văn Den. Trả lời phóng viên, cả anh Den và chị Linh đều nhận họ đã… sai và ân hận.
Những con người không nghèo về vật chất nhưng lại nghèo về ý thức, tự cho mình cái quyền tư lợi, trao cơ hội cho người không xứng đáng và khiến cho rất nhiều người xứng đáng khác đang mất cơ hội đáng ra phải thuộc về mình.
Đình chỉ công tác cán bộ sai sót trong bình xét hộ cận nghèo
Sẵn sàng bỏ qua lòng tự trọng của bản thân dù biết mình không xứng đáng, trục lợi chính sách cũng từ đó mà ra. Việc cố tình làm sai chính sách của các cán bộ địa phương đã tạo nên dư luận xấu và những bất bình trong nhân dân.
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn đã ngay lập tức triệu tập cuộc họp khẩn nhằm xử lý những sai sót trong công tác bình xét hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn của huyện.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn đánh giá sự việc xảy ra là nghiêm trọng nên đã thu hồi số tiền chi sai đối tượng đối với 9 hộ và tạm đình chỉ công tác 2 công chức và 2 trưởng thôn.
Huyện cũng quyết định thành lập 6 đoàn kiểm tra để tổ chức kiểm tra tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, bổ sung các đối tượng còn thiếu, nếu phát hiện hộ không thuộc đối tượng sẽ đưa ra khỏi danh sách, với quan điểm sai đến đâu, xử lý nghiêm đến đấy.
Kết luận cuối cùng của chính quyền địa phương về những sai phạm của việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được VTV News thông tin ngay sau khi có kết quả. Những câu chuyện trên diễn ra ở tỉnh Hòa Bình nhưng đó không phải là câu chuyện hi hữu chỉ diễn ra ở một địa phương.
Đường dây nóng của Chuyển động 24h thời gian qua cũng nhận được rất nhiều phản ánh của người dân ở nhiều tỉnh thành trên cả nước bức xúc về vấn đề bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo của năm 2020. Các câu chuyện đó sẽ được tiếp tục với các bài viết sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!