HĐXX không chấp thuận ý kiến luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 09/09/2016 14:15 GMT+7

VTV.vn - HĐXX xét thấy Phạm Công Danh không đủ năng lực tài chính nên không chấp thuận ý kiến bào chữa của luật sư về việc Phạm Công Danh phạm tội do bị ảnh hưởng các đối tác khác.

Sau khi phiên tòa sáng nay (9/9) dành hầu hết thời gian để Hội đồng xét xử (HĐXX) đọc phần nhìn nhận lại diễn biến xét xử trong hơn 1 tháng qua, đến gần cuối phiên, quan điểm của HĐXX trong bản án và cũng là phần quan trọng nhất mới được công bố.

Khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, sau đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng, dù biết rõ ngân hàng này âm hơn 2.850 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng, biết rõ hoạt động 5 tỷ đồng trở lên phải hỏi ý kiến NHNN, nhưng Phạm Công Danh đã bàn bạc với Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương để tìm cách rút tiền ngân hàng. Từ chủ trương sai trái trên, 3 người đã phân công cấp dưới lập khống, ký khống các hợp đồng thuê, cho vay, ký các chứng từ giải ngân trái quy định, gây thiệt hại lớn cho Ngân hàng Xây dựng.

Trước ý kiến bào chữa của luật sư về việc Phạm Công Danh phạm tội do bối cảnh bị ảnh hưởng bởi các đối tác khác, HĐXX xét thấy Phạm Công Danh đã không đủ năng lực tài chính như trình bày, bối cảnh là do chính Phạm Công Danh tạo nên, vì vậy HĐXX không chấp thuận ý kiến luật sư.

Về các luận điểm bào chữa cho rằng các hành vi làm trái xảy ra trước khi Phạm Công Danh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Phan Thành Mai làm Tổng Giám đốc, Hội đồng cũng khẳng định, các hành vi làm trái của Phạm Công Danh và Phan Thành Mai đều xảy ra sau ngày chính thức được bổ nhiệm nên các vi phạm được truy tố đúng cơ sở pháp luật.

Phần cuối của phiên sáng, HĐXX phân tích về hành vi cố tình làm trái trong việc lập hồ sơ khống để nâng cấp hệ thống Corebanking rút 63 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng.

Phiên chiều nay, HĐXX sẽ tiếp tục làm việc và dự kiến sẽ tuyên án đối với Phạm Công Danh và 35 bị can.

Những diễn biến chính của vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm tại Ngân hàng Xây dựng:

Tháng 7/2014, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 đối tượng nguyên là lãnh đạo của VNCB gồm Phạm Công Danh, Phan Thành Mai và Mai Hữu Khương.

Sau đó 3 tháng, 16 người nguyên là giám đốc, phó giám đốc, cán bộ tín dụng... các chi nhánh của VNCB tiếp tục bị khởi tố.

Tháng 12/2015, Bộ Công an kết luận điều tra vụ án, khởi tố 50 bị can về 03 tội danh: "Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; "Vi phạm qui định cho vay của các Tổ chức tín dụng"; "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Các hành vi chủ yếu gồm rút tiền qua các hợp đồng khống, hợp đồng vay và ủy thác đầu tư... gây thiệt hại cho VNCB trên 9.000 tỷ đồng.

Tháng 5/2016, VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng, quyết định truy tố Phạm Công Danh cùng 35 bị can trong vụ án.

Tháng 7/2016, phiên tòa xét xử sở thẩm vụ án chính thức diễn ra. Đây là 1 trong 8 vụ đại án có số tiền gây thất thoát lớn nhất trong lịch sử tố tụng

Tháng 8/2016, Viện Kiểm sát đã đề nghị tuyên phạt Phạm Công Danh tổng cộng 30 năm tù cho 2 tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Những bị cáo có vai trò quan trọng khác bị đề nghị từ 20 đến 26 năm tù.

Hôm nay (9/9), Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh sẽ tuyên án vụ án Phạm Công Danh - Nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam VNCB và 35 đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng này.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!




Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước