Một Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã nghỉ việc về làm vườn, một công an viên nghỉ đi làm bảo vệ hay cán bộ trình độ đại học nghỉ đi làm công nhân... những chuyện lạ có thật này lên đến hàng trăm và chưa dừng lại.
Chỉ tính riêng năm 2016, tỉnh Hậu Giang có hơn 200 cán bộ cơ sở xin nghỉ việc, với lý do mà nhiều đầu báo đổ oan cho họ để gây chú ý đó là "chê lương thấp".
Thu nhập của Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã sau khi trừ bảo hiểm, công đoàn phí là 1.034.000 đồng. Công an xã, phường, mỗi tháng nhận 780.000 đồng tiền trợ cấp, trừ đi các khoản còn 700.000 đồng. Nhiều cán bộ không chuyên trách tốt nghiệp đại học xin nghỉ sang làm công nhân vì lương còn cao hơn, khối lượng công việc nhiều không kém cán bộ chuyên trách - mà lương lại thấp. Tình trạng xảy ra tại nhiều địa phương ở ĐBSCL.
Đây được cho là chuyện lạ vì vốn dĩ từ xưa đến nay có một chân làm việc nhà nước là điều đáng mơ ước với nhiều người, thậm chí phải bằng cách này cách nọ người ta mới chen chân vào được.
Báo chí đã vào cuộc tìm hiểu và được biết chính sách phụ cấp với hệ số 0,95 cho cán bộ không chuyên trách không thể nào thu hút được cán bộ làm việc. Câu chuyện lương bổng thấp ở cấp cơ sở không biết đến khi nào mới được giải quyết hay có những hỗ trợ "đặc thù" như đề xuất của nhiều tờ báo. Tuy nhiên, nhìn ngược lại vấn đề, có thể thấy đây là tín hiệu tích cực về quy luật của thị trường lao động.
Tinh gọn biên chế nhà nước là điều cần thiết phải làm. Nhiều ý kiến cho rằng: chỉ cần 1/3 lượng cán bộ hiện nay hoạt động hiệu quả là tốt. Việc nghỉ tìm chỗ làm mới là hết sức bình thường theo quy luật tự nhiên, không cần thiết phải tìm cách giữ chân cán bộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!