Mặc dù rất nguy hiểm nhưng cực chẳng đã, người dân nơi đây mới phải làm như vậy. Hàng chục ha đất nông nghiệp đã bị sạt lở xuống sông. Trong khi đó, nạn khai thác cát, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sạt lở, nhiều năm nay, lực lượng chức năng vẫn chưa thể giải quyết được.
Nhiều hộ dân khác của thôn Tân Thắng rơi vào cảnh đất canh tác liên tiếp bị sạt lở xuống sông, tính ra cả thôn đã mất khoảng 10 ha đất. Tình trạng này diễn ra nghiêm trọng nhất là vào thời điểm năm 2015-2016, giai đoạn cao điểm khi có tới 8-10 tàu/đêm cùng đua nhau hút cát ngay sát bờ sông.
Một vết nứt dài khoảng hơn 10m đã xuất hiện trên tuyến đê quốc gia Tả Thái Bình. Vết nứt này đã xuất hiện cách đây khoảng hơn 1 năm. Người dân nghi ngờ là do hút cát bởi vị trí thân đê bị nứt này cũng là đoạn mà sạt lở liếm sâu nhất vào bờ. Bờ sông trước đây còn cách vị trí đê này vài trăm mét giờ chỉ còn chưa đến 100m.
Tuyến đê này vốn có nhiệm vụ bảo vệ cho hơn 100.000 dân của toàn huyện Nam Sách mỗi khi mùa mưa lũ đến. Vì lẽ đó, người dân ở thôn Tân Thắng đã tự lập ra chòi canh, cắt cử nhau canh gác cả ngày lẫn đêm. Họ tự mua sắm trang thiết bị, xuồng máy để canh gác khu đất này, xua đuổi những kẻ khai thác cát trái phép.
Dù không phải là nhiệm vụ chính của mình nhưng công an xã Thái Tân cũng cùng tổ chức các đợt tuần tra với người dân để ngăn chặn các tàu khai thác cát trái phép.
Nhờ có chốt chặn của người dân, tình trạng khai thác cát cũng giảm hẳn. Tuy nhiên, người dân luôn đứng trước những nguy cơ rắc rối, thậm chí bị đe dọa. Họ còn phải bỏ hết cả công việc đồng áng để cắt cử nhau canh đất. Nhưng nếu không làm vậy, một chút đất bãi bồi này để làm kế sinh nhai có khi giờ này cũng đã không còn nữa.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!