Kế hoạch phân luồng xe khách vốn được đánh giá là phương án khả quan có thể hạn chế được phần nào tình trạng ùn tắc giao thông ở các tuyến đường hướng tâm TP Hà Nội, giảm được tình trạng quá tải ở một số bến xe của thành phố... Tuy nhiên, việc điều chỉnh luồng xe này lại gặp nhiều sự phản đối của các nhà xe, các tổ chức, hiệp hội vận tải tại các tỉnh trong những ngày vừa qua. Một số nguyên nhân mà các nhà xe đưa ra là Sở GTVT Hà Nội nên tập trung giải quyết nạn xe dù, bến cóc chạy xuyên tâm thành phố trước, mất thời gian xây dựng lại thương hiệu...
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh Ninh Bình cho biết, việc điều chỉnh luồng tuyến 50 lốt (tuyến xe vào và ra bến) xe tuyến Mỹ Đình - Ninh Bình sang Nước Ngầm - Ninh Bình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng kinh doanh của các nhà xe. Bà Nga cho biết: "Thực tế, tình trạng xe dù bến cóc hoạt động rất nhiều, nấp ở các điểm đón trả khách ở bất cứ đâu. Khi điều chuyển tuyến từ Mỹ Đình về bến Nước Ngầm, nhiều hành khách sẽ chọn xe dù vì tìm được xe rất dễ dàng, không phải đón xe bus hay xe ôm đi xa để đi xe có lốt cố định ở bến".
Từ sáng 30/12, nhiều nhà xe kinh doanh vận tải tại bến xe khách Mỹ Đình từ chối đón khách, phản đối di chuyển xe về bến Nước Ngầm.
Một số đại diện nhà xe chạy tuyến Thanh Hóa - Mỹ Đình cũng cho biết, việc chuyển hoạt động của các doanh nghiệp từ bến Mỹ Đình sang bến Nước Ngầm ảnh hưởng đến thương hiệu của các doanh nghiệp đã xây dựng nhiều năm nay. Theo phản ánh của các đại diện này, hiện đang có trên 100 chiếc xe dù chạy tuyến xuyên tâm Hà Nội, gây ùn tắc giao thông, trong khi đó, có 62 lốt/ngày chạy tuyến Mỹ Đình - Thanh Hóa hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Vị đại diện này cho rằng các cơ quan chức năng thay vì giải quyết các xe khách vốn đã có luồng tuyến ổn định thì nên giải quyết triệt để tình trạng xe dù, bến cóc chạy xuyên tâm TP chưa được kiểm soát.
Ông Trần Hữu Quảng, Đại diện nhà xe chạy tuyến Thanh Hóa - Mỹ Đình (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Nếu điều chuyển tuyến xe từ bến Mỹ Đình về bến Nước Ngầm, thay vì 1 xe khách 40 chỗ chạy ở đường trên cao đến bến xe Mỹ Đình thì giờ sẽ có khoảng 10 xe taxi hoặc thậm chí là 40 xe máy chạy từ bến Nước Ngầm đến bến Mỹ Đình. Điều này liệu có giải quyết được vướng mắc ùn tắc giao thông hiện tại hay không".
Trước những ý kiến của các đại diện nhà xe, ông Vũ Văn Viện - GĐ Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định số 2288 năm 2015 nêu rõ việc điều chỉnh quy hoạch phân luồng tuyến vận tải vào 2 thời điểm hàng năm là 31/6 và 31/12 để phù hợp với tình hình thực tế.
Trên thực tế, từ nút giao Trung Hòa lên đường Vành đai 3 thường xuyên ùn tắc và lan tỏa đi nhiều giờ, chính vì vậy cần phải rà soát lại, sắp xếp hợp lý, khoa học các lộ trình tuyến vận tải để giảm tối đa lưu lượng trên tuyến Vành đai 3.
Sở GTVT Hà Nội cho biết đã cùng Tổng cục đường bộ, Vụ vận tải thành lập tổ công tác để rà soát lại tất cả 4.700 tuyến vận tải hành khách đi 42 tỉnh thành phố đến 5 bến xe chính ở Hà Nội. Việc điều chỉnh luồng tuyến đã được nghiên cứu kỹ và thực hiện một cách công khai, minh bạch với mục tiêu chung là giảm lưu lượng giao thông vào các tuyến hiện nay.
Sở GTVT Hà Nội mong muốn các nhà xe ổn định luồng tuyến, phát triển lâu dài và đồng hành với sự phát triển giao thông đô thị của Thủ đô Hà Nội, phục vụ nhân dân các tỉnh nói chung cũng như nhân dân Hà Nội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!