Trong đó, một loạt các vấn đề liên quan đến việc chậm triển khai các dự án, chậm giải phóng nguồn cung nước sạch ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư cũng đã được các đại biểu đưa ra chất vấn ngay tại phiên họp.
Thành phố đã phê duyệt 6/11 dự án cấp nước sạch tại Hà Nội, nhưng đến thời điểm hiện tại các dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân xảy ra thực trạng này là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, mặc dù quy hoạch cấp nước từ các dự án này đều có tính khả thi cao.
Dân cư thưa thớt, địa hình khó khăn là những lý do gây trở ngại cho việc triển khai dự án tại các huyện ngoại thành như Chương Mỹ, Sóc Sơn, Thạch Thất. Thêm vào đó, những dự án đã được nhà đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành vẫn đang chậm tiêu thụ và gặp nhiều khó khăn về cơ chế giá bán nước.
Một trong những ví dụ điển hình cho thực trạng này đó là Nhà máy nước mặt sông Đuống. Đến nay, mặc dù công suất đã đạt đến 300.000 m3/ngày đêm và đủ để cung cấp cho khoảng 3 triệu người, nhưng trên thực tế mới chỉ tiêu thụ được khoảng 45% công suất.
Giải trình về giải pháp trong thời gian tới, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, lượng nước sạch sản xuất từ Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ tiếp tục được cấp đến các huyện Thường Tín, Thanh Trì, Mỹ Đức. Đồng thời, vào cuối quý 3 này, nhà đầu tư sẽ tiếp tục triển khai dự án tại huyện Xuân Mai để đấu nối và cung ứng theo quy hoạch mạng lưới mạch vòng nhằm tăng mức tiêu thụ nước sạch sông Đuống đến với người dân nơi đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!