Hà Nội sẽ điều chỉnh giá hơn 1.300 dịch vụ y tế. Ảnh minh họa
Trong hơn 1.300 dịch vụ được điều chỉnh tăng thêm lần này, mức tăng được đề xuất điều chỉnh tối đa là 20%. Các đại biểu đồng quan điểm cho rằng, việc việc điều chỉnh tăng thêm là nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm gánh nặng cho ngân sách Thành phố, nhưng cơ quan nào có thẩm quyền ban hành quyết định điều chỉnh lại là điều gây tranh luận.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu câu hỏi: “Trong Luật khám chữa bệnh ghi rất rõ: UBND các tỉnh, thành xây dựng giá trình HĐND về giá khám chữa bệnh phê chuẩn, trong khi đó Luật giá ra sau không có một chữ nào về việc UBND xây dựng giá khám chữa bệnh và chỉ có nghị định hướng dẫn. Tôi xin hỏi, Luật khám chữa bệnh đang có hiệu lực cao hơn hay Nghị định cao hơn?”.
Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội trả lời: “Khi đã có Luật giá và nhất là đã có Nghị định hướng dẫn thì các Luật đều phải chấp hành, không có chuyện chỉ có Luật khám chữa bệnh mà không chấp hành Luật giá. Điều thứ hai là phải đúng thẩm quyền”.
Chỉ từ một câu chuyện đơn lẻ như việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế ở Hà Nội đã cho thấy câu chuyện về sự không thống nhất giữa các văn bản pháp luật cũng như cơ quan có thẩm quyền quyết định. Thay vì việc Hội đồng Nhân dân ra một Nghị quyết điều chỉnh giá dịch vụ như trước đó, thì lần này Hội đồng Nhân dân chỉ thông qua về mặt chủ trương.
Cũng trong chiều nay, Hà Nội đã thông qua danh mục đặt tên 24 tuyến phố mới, trong đó có đường Võ Nguyên Giáp dài 12 km từ cầu Nhật Tân đến nút giao Quốc lộ 18 giáp sân bay Nội Bài.
Trước đó, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội quyết nghị sẽ xem xét điều chỉnh giảm giá thuê đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành; tiếp tục hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt các chính sách tài khóa; chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách để đảm bảo cân đối.