Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, quân và dân Thủ đô đã sẵn sàng cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Thế nhưng, khi ấy, trong những ngày cuối cùng trước khi kháng chiến nổ ra, đã có những biến cố không phải ai cũng biết.
Những ngày cao điểm cuối năm 1946, quân đội Pháp liên tiếp đẩy mạnh các cuộc xung đột vũ trang, khiêu khích, xả súng vào dân thường ngay trên đường phố Hà Nội. Không khí căng thẳng len lỏi vào từng gia đình. Người dân rục rịch tản cư, đội tự vệ thành đã sẵn sàng cho tình huống chiến tranh xảy ra. Hình ảnh Hà Nội qua cái nhìn của người ở lại chứa đựng tất cả niềm mến yêu, tiếc nuối những ngày tháng thanh bình xen lẫn nỗi đau xót trước sự giày xéo của kẻ thù.
Lựa chọn miêu tả bầu không khí và đời sống người Hà Nội trước ngày toàn quốc kháng chiến, bộ phim "Hà Nội mùa Đông năm 46" của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tái hiện thành công một giai đoạn lịch sử ngắn ngủi mà rất ít người biết đến.
Những cuộc xung đột vũ trang đều gây tổn thất cho cả hai phía, nhưng đâu đó vẫn lóe lên hơi ấm của tình người, bởi vẫn có những người Pháp yêu chuộng hòa bình. Đó là người thư ký của viên Cao ủy Pháp Sainteny từ lâu đã ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh; là vị bác sĩ Pháp hết lòng cứu chữa cho người vợ của một chiến sĩ cộng sản trong một ca sinh khó.
Hà Nội mùa Đông năm 46, xen giữa những xung đột căng thẳng là một Hà Nội bình yên với hình ảnh ông đồ viết câu đối tặng những người ở lại, tiếng rao đêm len lỏi trong ngõ phố sâu thẳm, tàu điện leng keng trên phố hay một gánh hàng hoa Ngọc Hà… Những hình ảnh đẹp ấy đã theo chân lớp lớp những người con Hà thành hành quân lên chiến khu Việt Bắc, làm nên một cuộc kháng chiến thần kỳ, để rồi 9 năm sau đó trở về giải phóng Thủ đô đúng như lời hẹn ước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!