Theo thống kê của Ban chỉ đạo Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, trong thời gian tổ chức, lượng du khách trong và ngoài nước đến thăm quan và tham gia rất đông (trung bình ban ngày có khoảng 3.000 - 5.000 người; buổi tối khoảng 1,5 - 2 vạn người).
Lượng khách du lịch quốc tế đến lưu trú tại quận Hoàn Kiếm cũng tăng nhanh (năm 2016 là 1.361.000 lượt người, tăng 22,8% so với cùng kỳ; năm 2017 là 1.950.000 lượt người, tăng 30,2% so với cùng kỳ; năm 2018 là 2.185.170 lượt, tăng 12% so với cùng kỳ; ước 9 tháng đầu năm 2019 đạt 1.239.000 lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ).
Số lượng của hàng kinh doanh chuyển sang các hoạt động dịch vụ du lịch tăng 594 cơ sở. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận Hoàn Kiếm năm sau cao hơn năm trước (năm 2016 đạt 5.387 tỷ đồng; năm 2017 đạt 7.020 tỷ đồng; năm 2018 đạt 8.840 tỷ đồng; ước năm 2019 đạt 9.749 tỷ đồng).
Việc xây dựng không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, hình thành thói quen đi bộ, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cơ giới và hình thành nếp sống mới cho người dân Thủ đô, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình; kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hoàn Kiếm và TP Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá cao sự nỗ lực và cố gắng của các sở, ban, ngành thành phố; Quận ủy, UBND quận Hoàn Kiếm; nhân dân và cán bộ các phường xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đức Chung cho biết, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ kết thúc giai đoạn thí điểm, hoạt động chính thức từ ngày 01/01/2020.
Để không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đáp ứng được mong muốn của người dân và du khách, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu quận Hoàn Kiếm tập trung chỉ đạo khắc phục ngay các tồn tại trong hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận như: phương tiện dừng đỗ trước và sau rào an ninh tại các chốt ra vào; các điểm giao thông tĩnh bị quá tải; bãi xe tự phát thu quá giá quy định; vứt rác trên vỉa hè, lòng đường.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương triển khai dự án đầu tư cải tạo nâng cấp chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm và nghiên cứu thực hiện các dự án thành phần phụ cận Hồ Gươm như khu vực Nhà hàng Thủy Tạ, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, kết nối đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, vườn hoa Lý Thái Tổ, tháp Hòa Phong, đền Vua Lê, các trục đường xung quanh hồ Hoàn Kiếm…; thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức và hộ dân xung quanh hồ Hoàn Kiếm treo hoa trên ban công các công trình, ngôi nhà...
Sở Tư pháp khẩn trương thẩm định Quy chế quản lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trong tháng 01/2020 làm cơ sở để UBND quận Hoàn Kiếm hoàn thiện trình UBND Thành phố phê duyệt.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Công an Thành phố, UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu phương án tổ chức giao thông để triển khai thí điểm không cho các phương tiện giao thông hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ hoàn kiếm và phụ cận trong thời gian 1 tháng, báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND TP, Thường trực Thành ủy làm cơ sở để xây dựng Đề án giảm phương tiện giao thông vào khu vực trung tâm Thành phố.
Công an Thành phố Hà Nội chỉ đạo tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, xử lý triệt để tình trạng móc túi, buôn bán hàng rong, tự ý nâng giá, đeo bám, chèo kéo khách du lịch, tình trạng taxi dù; tổ chức phân luồng giao thông hợp lý đối với các tuyến phố xung quanh khu vực không gian đi bộ nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.