Nhiều biện pháp được đặt ra để cải thiện chất lượng không khí
Trước tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài nhiều ngày ở Thủ đô, ông Tạ Ngọc Sơn - Phó trưởng phòng tổng hợp (Chi Cục bảo vệ môi trường Hà Nội) cho biết thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều đề án để cải thiện chất lượng không khí.
Cụ thể, thành phố Hà Nội đã lên phương án chống ồn, chống bụi; tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm; thu gom, xử lý chất thải nguy hại, bao gồm chất thải y tế; xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Trong mỗi đề án đều có các giải pháp cụ thể. Trước mắt, thành phố sẽ tập trung vận động người dân thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến. Các đoàn kiểm tra cũng về từng huyện ngoại thành để kêu gọi người dân hạn chế đốt rơm rạ.
Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội thông tin thêm, chiến dịch trồng một triệu cây xanh của thành phố đã hoàn thành, cơ quan chức năng đang lên kế hoạch trồng thêm 600.000 cây giai đoạn 2019 - 2020.
Bên cạnh đó, Hà Nội vẫn đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95, tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông. Ngành giao thông Thủ đô cũng tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc (đến nay đã xây dựng 12 cầu vượt trị giá hơn 3.000 tỷ đồng); tổ chức lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ...
Ngoài ra, lãnh đạo thành phố cũng nhận định, muốn khắc phục ô nhiễm không khí thì phải biết rõ nguyên nhân. Thành phố xác định một trong những nguyên nhân chính là Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng phát sinh bụi. Cùng với đó, mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, xuất hiện nhiều điểm ùn tắc; còn tồn tại các phương tiện cũ, xe chở vật liệu và phế thải không che chắn đúng quy định.
Với những nguyên nhân trên, biện pháp được đưa ra là các công trình được bắt buộc che chắn, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường xung quanh; xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng phải đóng kín thùng, rửa xe trước khi vào thành phố và trước khi ra khỏi công trường...
Cần một quá trình lâu dài để khắc phục chất lượng không khí
Ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Cục Môi trường nhận định, việc cải thiện chất lượng không khí phải là một quá trình lâu dài, bền bỉ, mất nhiều năm để nỗ lực thoát nhóm ô nhiễm nhất thế giới. Đây sẽ là cả một tiến trình, không thể thực hiện trong thời gian ngắn mà đã mong không khí tốt ngay được.
Theo ông Tùng, Hà Nội nên đặt ra các mục tiêu cho từng nguồn phát thải cụ thể. Với nguồn phát nội đô, Hà Nội cần đề ra chính sách kiểm soát khí thải xe máy, tăng cường giao thông công cộng và xe bus dùng nhiên liệu sạch. Với nguồn ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện, xi măng, sắt thép ở các tỉnh, thành lân cận, Hà Nội cần phối hợp với các địa phương đó và Bộ Công Thương để có phương án quản lý.
Cũng theo các chuyên gia, Hà Nội không thể ngay lập tức giảm số lượng phương tiện giao thông hay cấm các công trình xây dựng. Biện pháp cần thiết là cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý nghiêm để ngăn cản việc phát tán của bụi như yêu cầu quây kín các công trình xây dựng, tưới rửa thu dọn đất ở mặt đường thường xuyên để không phát tán bụi lên không khí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!