Tranh luận bắt đầu từ việc nữ doanh nhân, nhà văn trẻ Tuệ Nghi thể hiện quan điểm cá nhân cho rằng: Tết cổ truyền không còn phù hợp với tốc độ phát triển xã hội nhanh vũ bão như hiện nay. Nhà văn trẻ Tuệ Nghi lập luận: "Hội nhập kinh tế nhưng vẫn muốn giữ khư khư lề lối văn hoá truyền thống đó là Tết cổ truyền". Nữ nhà văn cũng cho rằng, Tết thì ngày càng "nhạt" mà cứ phải khăng khăng "giữ hồn"?"
Thực tế, câu chuyện nói trên không mới, khi cách đây hơn 10 năm, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã khơi mào những tranh luận xoay quanh việc gộp Tết ta với Tết tây, tức ăn Tết theo Dương lịch.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Tết cổ truyền quá dài nhiều khi làm ảnh hưởng đến công việc. Trong một thế giới nhiều khi người ta đang phải cạnh tranh với nhau từng khách hàng, từng thị trường, mình lại lỡ nhịp do nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Từ đó, mình có thể mất khách hàng, mất thị trường.
Có khá nhiều lý do được đưa ra để cho rằng nên gộp Tết tây với Tết ta, ví dụ như: số lượng người chết vì tai nạn giao thông trong dịp Tết tăng đột biến, chủ yếu là do uống rượu; rất nhiều lễ hội lớn nhỏ, trong tháng Giêng gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc...
Thế nhưng, nhóm ý kiến ngược lại, chiếm số đông lại nghiêng về việc giữ gìn Tết cổ truyền, bởi nó là một sinh hoạt văn hóa tinh thần đã ăn sâu vào tiềm thức dân tộc. Giá trị của nó nằm ở khía cạnh tinh thần, chứ không phải mâm cao cỗ đầy.
Nếu nói Tết làm cho người Việt nghèo đi vì kỳ nghỉ dài - dù đây là quan điểm của một nhà kinh tế học cũng không thuyết phục, vì số lượng ngày nghỉ lễ, tính cả Tết cổ truyền một năm của người Việt là 15 ngày bằng số ngày nghỉ của Nhật Bản và Thụy Điển; Trung Quốc thậm chí nghỉ tới 17 ngày.
Tết cũng là dịp người ta đổ tội cho nhau về sự lãng phí. Người Việt bộc lộ sự lãng phí bằng những cuộc ăn nhậu vô tội vạ; công việc đình trệ, công sở bỏ bê. Tất cả đều đang bị "quy tội" cho Tết mà không ai nghĩ rằng đó chính là sản phẩm của con người hiện đại.
Theo tờ Pháp luật Việt Nam, việc bỏ hay không bỏ, gộp hay không gộp Tết cổ truyền vẫn là một ý kiến chưa chính thức, nhưng đã gây sóng gió. Như rất nhiều vấn đề tranh luận khác trước đây, sự việc đã bị đẩy đi quá xa, gây nên những cuộc cãi vã không cần thiết.
Bỏ hay giữ Tết cổ truyền? - Cuộc tranh luận vẫn chưa dừng lại, nhưng Tết cổ truyền là văn hóa riêng của dân tộc ta. Nói "gộp Tết tây với Tết ta" để hội nhập là hiểu sai lầm một cách căn bản về hội nhập. Hội nhập không phải là hòa tan, là đánh mất bản sắc văn hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!