Có nhiều lý do đưa ra để giải thích về tình trạng không quản lý được khoáng sản như thiếu nhân lực, thiếu cơ chế quản lý phù hợp… Và hậu quả là không chỉ nguồn tài nguyên bị thất thoát mà còn phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng tại vùng khoáng sản.
‘ Ẩn họa luôn rình rập tại các mỏ đá tự phát (Ảnh: VTV News)
Theo lời kể của người nhà nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ sập hầm khai thác đá, sự việc xảy ra tại một trong những điểm khai thác mà HTX khai thác đá chẻ Hòa Xuân đã thực hiện nhiều năm qua.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cho biết, đến thời điểm này, HTX khai thác đá chẻ Hòa Xuân vẫn chưa hoàn tất các thủ tục để được cấp phép khai thác đá. Trong văn bản có ghi rõ, khi chưa được cấp phép thì HTX không được phép khai thác.
Nhưng trước khi được cấp phép khai thác ở 23 điểm trên quy mô 3,5 ha như hồ sơ đã lập, HTX đã tiến hành khai thác ở nhiều khu vực. Và sự việc nạn nhân mới đây tử nạn đã làm lộ rõ một góc khuất trong quản lý mỏ đá xây dựng lâu nay.
Ông Đào Văn Dục, Trưởng phòng khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cho rằng: "Cái khó trong quản lý khoáng sản là do địa bàn xa, không quản lý được".
Chẻ đá đã trở thành công việc chính của không dưới 500 lao động hàng ngày có mặt ở các mỏ đá thuộc huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Nhiều gia đình có đến 2-3 thế hệ theo nghề chẻ đá. Công việc này không phải bây giờ mới có, nhưng phát triển rầm rộ vài năm gần đây, khi nhu cầu đá xây dựng tăng cao kéo theo giá bán cũng tăng theo.
Chính quyền địa phương thì không thể cấm khai thác vì đây là việc mưu sinh của người dân trong vùng. Thậm chí, theo lời kể của các thợ chẻ đá, những năm trước, họ còn đóng thuế tài nguyên cho chính quyền xã.
Sau này, khi xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động ở mỏ đá, lộ rõ việc khai thác là trái phép nên không còn chuyện nộp thuế tài nguyên. Và cũng từ đó, mạnh ai nấy khai thác đá xây dựng. Thất thoát tài nguyên là điều thấy rõ và điều thấy rõ hơn là những hiểm họa từ khai thác gia tăng khi người lao động làm việc tự phát.
Ông Đào Văn Dục cho biết thêm: "Những ngành nghề như đá chẻ phải tập trung lại thành HTX. Khi được cấp phép HTX sẽ có thiết kế khai thác mỏ và yêu cầu họ khai thác như thế nào sẽ nằm trong thiết kế”.
Trong khi chính quyền địa phương và ngành chức năng không ngăn chặn được khai thác trái phép khoáng sản thì ngày ngày tại những mỏ đá, đá vẫn được khai thác. Mọi việc vẫn đều đặn đến mức, nhiều người nghĩ rằng những nơi này có giấy phép khai thác và hàng ngày, những người thợ đá mưu sinh trong nhiều ẩn họa có cùng tên gọi “tai nạn mỏ đá”.