Giá dầu giảm đã khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải đề xuất áp dụng hàng loạt các biện pháp cấp bách; trong đó có việc cải tiến quản lý sản xuất, tái cơ cấu bộ máy, tiết giảm chi phí sản xuất; tích cực cải tiến, phát huy sáng kiến để giảm giá thành.
Trong khi đó, lãnh đạo Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro cho biết, tình hình tài chính của ngành dầu khí hiện đang khó khăn nên đã đề xuất đóng cửa một số mỏ, giếng dầu có chi phí vận hành quá cao, khai thác với giá hòa vốn. Trong điều kiện giá dầu giảm thấp như hiện nay, không nên đặt nặng vấn đề sản lượng. Nếu giá dầu tiếp tục xuống thấp nữa thì phải chấp nhận việc đóng giếng, mỏ bởi nếu không càng làm sẽ càng lỗ.
Về vấn đề cắt giảm nhân sự trong bối cảnh giá dầu giảm, nếu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam yêu cầu Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro cũng sẽ trình phương án tiếp tục giảm số lượng người lao động. Trước đó, phía Nga cũng đã yêu cầu trong 5 năm tới, Vietsovpetro phải giảm xuống dưới 5.000 người, tức là giảm khoảng 2.000 nhân sự. Việc này cũng là một thách thức, tuy nhiên, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã chuẩn bị phương án và sẽ trình lên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trong khi giá dầu thế giới vẫn suy giảm, các sản phẩm lọc hóa dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng rất khó bán. Nếu các hợp đồng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ ký được trong 2 tháng đầu năm 2016 hết hạn mà không ký thêm được hợp đồng mới, thì có thể sẽ phái tạm dừng hoạt động vì khó khăn.
Hiện tại, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn diễn ra bình thường với 100% công suất do vẫn còn hợp đồng ký với các khách hàng trong 2 - 3 tháng tới. Nhưng sau thời gian này, nguy cơ tạm dừng sản xuất của nhà máy này trong tương lai là hoàn toàn có thể nếu như không ký được hợp đồng mới.
Theo lập luận của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong cơ cấu sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, xăng dầu chiếm hơn 90% tổng sản lượng sản phẩm. Vì thế, nếu các mặt hàng này không tiêu thụ được, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành an toàn của nhà máy.
Dù đã đàm phán với đối tác giảm giá bán nhưng Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới ký được hợp đồng bán hàng trong 2 tháng đầu năm 2016. Khách hàng lớn nhất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng chỉ ký hợp đồng cung ứng sản phẩm trong 2 tháng đầu năm nay, nhưng khối lượng đã giảm từ 120.000 m3/tháng xuống còn 80.000 m3/tháng. Theo giải thích của ngành dầu khí, xăng của Dung Quất chịu áp lực cạnh tranh với mặt hàng cùng chủng loại nhập khẩu từ Hàn Quốc, nhưng mức thuế suất đang bị áp là 20%. Trong khi, sản phẩm nhập từ Hàn Quốc chỉ phải chịu 10%.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.