Khi nhà có đám cưới, đám ma, nhiều hộ dân đã tự ý chặn đường đi lại để dựng rạp, buộc xe cộ phải đi đường khác hoặc chen chúc nhau trên phần đường còn lại. Xét về lý, trong nhiều trường hợp, hành vi ngang nhiên chiếm dụng đường đi chung này là sai, gây ra rất nhiều phiền toái và bức xúc, thậm chí tai nạn giao thông.
Thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông cho thấy, 2015 là năm ghi nhận nhiều nhất các vụ tai nạn giao thông do rạp cưới lấn chiếm lòng, lề đường với 5 vụ trên cả nước. Tình trạng này vẫn không được cải thiện trong nhiều năm gần đây. Rõ ràng nguy hiểm là vậy nhưng có lẽ nhiều người vẫn không ý thức được hoặc là cố tình làm ngơ với sự an toàn của chính mình và rất nhiều người khác.
Từ những ngõ nhỏ, phố lớn, đáng sợ hơn là trên các tuyến đường quốc lộ, không khó để bắt gặp chuyện dựng rạp đám cưới như thế này. Giữa đường, hàng chục, hàng trăm con người ung dung ăn uống, chia vui, chỉ cách những dòng xe đang lưu thông với tốc độ cao một lớp khung rèm mỏng manh. Nhiều người lý giải, việc dựng đám cưới ra đường là chuyện "cực chẳng đã" bởi không phải gia đình nào cũng có tiền thuê hội trường, khách sạn, nhà hàng.
Việc dựng rạp đám cưới lấn ra giữa đường dẫn đến tai nạn chết người là hành vi vi phạm Điều 203 về tội cản trở giao thông đường bộ Bộ luật Hình sự, mức phạt từ 5 - 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Mức quy định đã rõ nhưng việc xử phạt còn e dè do có những cản trở trong thói quen và văn hóa của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!