Trong phần chất vấn, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) hỏi Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường về giải pháp tổng thể, dài hạn để tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm cá ngừ đại dương khi mà nhiều doanh nghiệp chế biến hiện nay đang gặp khó trong khâu bảo quản, chế biến...
Trả lời phần chất vấn, ông Cường đồng ý với đại biểu đoàn Ninh Bình rằng xuất khẩu cá ngừ đang cho giá trị xuất khẩu cao (khoảng 650 triệu USD/năm). Song theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, nếu làm tốt hơn, cá ngừ đại dương sẽ còn cho giá trị cao hơn nhiều.
Thứ nhất về công nghệ chế biến, theo ông Cường, hiện có một mô hình rất tích cực tại Khánh Hòa, Bình Định, khi nhiều doanh nghiệp chế biến được trên 30 sản phẩm cá ngừ mà không còn phải xuất khẩu sang Nhật Bản. Hiện nay có rất nhiều các siêu thị lớn phân phối sản phẩm cá ngừ.
"Tuy nhiên trên đại trà chưa làm được điều này, cho nên chuỗi giá trị của sản phẩm cá ngừ mới chỉ đạt 650 triệu USD, nếu làm tốt hơn có thể tăng gấp đôi, gấp ba trong chuỗi giá trị", ông Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời trước Quốc hội
Thứ hai, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nếu muốn tăng giá trị xuất khẩu cá ngừ đại dương, chúng ta cần làm tốt hơn khâu tổ chức liên kết khai thác và sản xuất.
"Tại Khánh Hòa hiện đã có 1 doanh nghiệp liên kết phương tiện ngư dân của 3 tỉnh với 145 tàu. Khi ra khơi, câu được cá ngừ, tàu hậu cần của doanh nghiệp này đón nhận, đưa sản phẩm về nhà máy chế biến ngay", ông Cường nêu ví dụ tiêu biểu về một mô hình tổ chức liên kết khai thác và sản xuất cá ngừ đại dương.
Bên cạnh đó, ông Cường nhấn mạnh các doanh nghiệp cần tập trung hơn vào khâu mở rộng thị trường, trong đó nhấn mạnh, ngoài xuất khẩu, các doanh nghiệp chớ quên thị trường nội địa.
"Đi đôi với mở rộng thị trường xuất khẩu, hãy nhớ phục vụ thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam vì chúng ta có quyền ăn những sản vật ngon", ông Cường khẳng định.
Không cải thiện được chế biến, thương mại sẽ vẫn còn được mùa mất giá
Cũng đề cập đến vấn đề chế biến và thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định hai yếu tố này không chỉ quan trọng với con cá ngừ đại dương mà với tất cả sản phẩm nông nghiệp.
Trong phiên chất vấn, một số đại biểu đã hỏi người đứng đầu nông nghiệp về vấn đề được mùa mất giá, thậm chí mất cả mùa mất cả giá, mất giá kéo dài, ông Cường cho biết những năm gần đây, Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
"Về tổng thể, kinh tế nông nghiệp đang đi theo chiều hướng tích cực. Tổng diện tích đất canh tác cả nước chỉ có 10 triệu ha, Việt Nam đã tạo ra được mức sản xuất lương thực 45 triệu tấn, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, một số loại cây công nghiệp đứng đầu thế giới về sản lượng", ông Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, bất cập lớn nhất của chúng ta nằm ở khâu chế biến và tổ chức thương mại, nếu không cải thiện được thì không thể khắc phục được tình trạng được mùa mất giá.
Theo ông Cường nếu không cải thiện được khâu chế biến và tổ chức thương mại thì sẽ còn tái diễn trình trạng được mùa mất giá
"Tại Tây Nguyên có 5 triệu ha đất, có 5 cây công nghiệp chủ lực, nhưng giai đoạn trước kia phát triển quá nóng. Riêng Việt Nam, sản lượng hồ tiêu đã là 350.000 tấn, chiếm đến 60% sản lượng của thế giới, như vậy là quá thừa", ông Cường đưa ra ví dụ về tình trang dư thừa nguồn cung nếu không cải thiện khâu chế biến và thương mại.
Ông Cường nhấn mạnh, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung các giải pháp để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tổng rà soát lại, phát huy các ngành lợi thế của địa phương; đặc biệt việc tổ chức liên kết sản xuất phải tuân thủ theo quy luật thị trường; tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thương mại; giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!