Dự Luật Phòng chông tác hại rượu giúp đảm bảo lợi ích và sức khỏe cho người dân

Minh Đức-Thứ tư, ngày 21/11/2018 14:27 GMT+7

VTV.vn - Dự luật phòng chống tác hại rượu bia được nhiều chuyên gia nhận định sẽ mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe, an ninh trật tự, kinh tế...

Dự Luật phòng chống tác hại của rượu, bia sau khi được trình lên Quốc hội đã nhận được rất nhiều ý kiến, cả đồng thuận lẫn trái chiều. Sau khi kết thúc phiên họp trong ngày 16/11 vừa qua, phần lớn các đại biểu Quốc hội đều ủng hộ luật phòng chống tác hại của rượu bia và đóng góp ý kiến để hoàn thiện Dự luật. Các chuyên gia cho rằng, đây là một bước tiến thuận lợi tạm thời, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho kỳ họp thông qua Dự luật vào tháng 5/2019.

Theo TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là cuộc chiến giữa lợi ích về sức khỏe của người dân, hệ lụy của xã hội với lợi ích kinh tế của ngành công nghiệp rượu bia. Chính vì sự đối lập nhau này mà đã có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra.

Được biết, Bộ Y tế quyết tâm thực hiện Dự luật với cơ sở là các nghiên cứu khoa học và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) như: Rượu bia là chất gây nghiện; Alcohol thành phần chính trong rượu bia là chất gây ung thư nhóm 1; Không có bất cứ mức uống rượu bia nào là có lợi cho sức khỏe; không có ngưỡng nào là an toàn cho cộng đồng người uống rượu bia... Với cơ sở trên, đa số ý kiến ủng hộ Dự luật đều vì cho rằng Dự luận đáp ứng các quy định của Tổ chức Y tế thế giới, góp phần giảm tác động của rượu bia với sức khỏe người dân.

Các chuyên gia cũng nhận định Dự luật vẫn cần phải điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình xã hội hiện nay. Cụ thể, có 3 biện pháp được Tổ chức y tế khuyến cáo là: Kiểm soát sự sẵn có của rượu bia; Kiểm soát Marketing rượu, bia; Chính sách Thuế và giá... Nếu không có quy định hoàn chỉnh các biện pháp theo khuyến cáo của WHO thì khó đạt được mục tiêu của luật. Đặc biệt, để kiểm soát rượu bia hiệu quả tại Việt Nam cần xây dựng và thực thi đồng bộ chính sách kiểm soát sự có sẵn của rượu bia như giờ bán, điểm bán, kiểm soát chặt cấp phép bản lẻ; tăng thuế, tăng giá rượu bia; kiểm soát toàn diện quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ...

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết nếu dự thảo Luật được áp dụng, Nhà nước sẽ tăng cường được hiệu quả quản lý, bảo đảm sức khỏe người dân, an toàn trật tự, góp phần phát triển đất nước. Việc kiểm soát hiệu quả rượu, bia, nhất là rượu thủ công, giúp Nhà nước quản lý được chất lượng rượu, bảo đảm an toàn thực phẩm, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh phát triển.

Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi 1 đô la đầu tư cho giải pháp phòng chống tác hại rượu bia thì Nhà nước sẽ thu về 9,13 đô la. Khi ban hành Luật, Nhà nước sẽ tiết kiệm được chi phí giải quyết các hậu quả của rượu, bia để đầu tư các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, nâng cao sức khỏe... Qua đó, góp phần phòng chống tác bệnh không lây nhiễm đang ngày càng tăng như ung thư, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, béo phì, tai nạn giao thông...; làm giảm chi phí y tế vốn đang ngày càng tăng do những hệ lụy về sức khỏe mà rượu bia mang lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước