Hiện tượng thời tiết thất thường, thiên tai xuất hiện với tần suất nhiều hơn, gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh thành, địa phương, đặc biệt là các khu vực miền Trung. Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, trên khu vực Biển Đông đã xuất hiện 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Những năm gần đây, việc dự báo thời tiết, các cơn bão, áp thấp nhiệt đới đã có độ chính xác về vị trí và cường độ bão. Nhờ công nghệ dự báo đã được đầu tư nên mang đến độ chính xác và tin cậy, cảnh báo thiên tai cũng được nâng cao hơn như mưa lớn hay lũ lụt, những loại hình thời tiết này hết sức nguy hiểm và có tác động gây thiệt hại trên diện rộng. Được biết, công nghệ dự báo có thể cảnh báo mưa lớn trước 2 - 3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%; đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn giông mới chỉ cảnh báo trước 30 phút đến 2 - 3 giờ. Dự báo rét đậm, rét hại bởi không khí lạnh có thể được dự báo trước 2 - 3 ngày với độ tin cậy 70%. Đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn giông mới chỉ cảnh báo trước từ 30 phút đến 2-3 giờ.
Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh có thể dự báo trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%; Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng: trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%, thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng chính xác từ 80-90%.
Ông Hải cho biết, dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán 2019, thời tiết tại khu vực miền Trung có xu hướng mưa nhiều hơn so với trung bình và sẽ giảm dần khi đến Tết. Vào khoảng đầu tháng 12 này, cũng đã xảy ra một đợt mưa lớn tại khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, gây mưa lớn từ Nghệ An đến Bình Định.
Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng nhận định, hiện tượng khí hậu cực đoan đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Việc dự báo trước thời tiết và thiên tai chỉ có thể hỗ trợ cho người dân ứng phó lại với sự khốc liệt của thời tiết và giảm nhẹ thiệt hại. Muốn ứng phó với những hiện tượng mưa lũ ngập úng, cần phải khắc phục bằng các biện pháp khác nhau.
Trong đó, các biện pháp công trình đang được ứng dụng nhiều như trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn; khai thông các đường thoát lũ, xây dựng đê, tường chắn lũ quét; mở khẩu độ thoát lũ của hệ thống cầu cống trên các tuyến đường giao thông... Ngoài ra, các biện pháp khác như phân vùng nguy cơ lũ quét, điều chỉnh điều kiện mặt đệm lưu vực và các khu trữ lũ; quản lý sử dụng đất...
Để ứng phó với tình hình thiên tai, không chỉ việc dự báo thiên tai phải được thực hiện chính xác, kịp thời mà ngay cả người dân trong toàn xã hội cũng phải chung tay góp sức, cần tuyên truyền mạnh mẽ để người dân nâng cao ý thức, chủ động phòng tránh thiên tai và giảm nhẹ thiệt hại
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!