Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương và các tỉnh miền Trung về giải tỏa công suất điện diễn ra vào sáng 9/7. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân được đầu tư trạm biến áp 500 KV và đường dây đấu nối theo hình thức đầu tư xong chuyển giao cho EVN quản lý.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thay dây dẫn có khả năng chịu tải cao hơn với đường dây 110KV từ khu vực Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đến huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Chính quyền các địa phương nơi có đường dây đi qua phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ. Về lâu dài, Bộ sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh tiến độ đầu tư các công trình lưới điện 220 KV và 500 KV.
Khu vực Nam Trung Bộ có hàng chục nhà máy điện năng lượng mặt trời và điện gió được đưa vào sử dụng, hòa vào lưới điện quốc gia, gây nên tình trạng quá tải lưới điện. Chỉ tính riêng tỉnh Ninh Thuận hiện đã có 15 dự án điện năng lượng mặt trời và điện gió với tổng công suất hơn 1.000 MW đưa vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, có 9/15 dự án phải giảm phát điện đến 60% công suất để đảm bảo hệ thống truyền tải. Dự kiến, đến năm 2020, sẽ có 12 dự án khác tiếp tục đi vào hoạt động, điều này khiến tình trạng quá tải lưới điện trở nên nghiêm trọng hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!