Đóng tàu vỏ sắt bám biển: Vẫn còn băn khoăn!

Đỗ Vinh -Thứ tư, ngày 11/06/2014 06:30 GMT+7

Với truyền thống khai thác nhỏ lẻ, nặng về thủ công, việc cải hoán, đóng tàu vỏ sắt để ngư dân sử dụng hiệu quả đồng vốn có nhiều vấn đề đang đặt ra.

Thủ tướng Chính phủ dự kiến cấp gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng cho ngư dân vay ưu đãi đóng tàu vỏ sắt để đánh bắt xa bờ. Đây là chủ trương đáp ứng được với nguyện vọng của ngư dân, phù hợp với xu thế đánh bắt hiện đại. Hơn nữa, việc trang bị tàu vỏ sắt cho ngư dân còn đảm bảo sự chắc chắn, an toàn, nâng cao hiệu quả từ nguồn lực kinh tế biển. Tuy nhiên, với truyền thống khai thác nhỏ lẻ, nặng về thủ công, việc cải hoán, đóng tàu vỏ sắt để ngư dân sử dụng hiệu quả đồng vốn có nhiều vấn đề đặt ra.

‘ Hiện nay, hơn 90% tàu cá của ngư dân được đóng từ gỗ (Ảnh: VTV Online)

Hiện nay, hơn 90% tàu cá của ngư dân được đóng từ gỗ. Việc chuyển đổi từ tàu gỗ sang tàu sắt không hề đơn giản nhưng đó là tất yếu khách quan và chủ quan. Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng mở ra cơ hội để ngư dân chuyển đổi từ đánh bắt truyền thống sang hiện đại. Tuy nhiên, ngư dân - chủ thể của chương trình này cũng có những băn khoăn.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Chủ tàu QNg 98048 TS, Quảng Ngãi cho biết: “Chính phủ, Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân vay vốn ưu đãi, ngư dân chúng tôi xin cảm ơn. Nhưng nếu giao trực tiếp cho ngư dân tự đóng sẽ có trách nhiệm hơn, hiệu quả hơn”.

Với ngư dân Việt Nam, từ nhiều đời nay họ tự thiết kế con tàu phù hợp với nghề đánh bắt, phù hợp với ngư trường và cả phù hợp với văn hóa của vùng miền. Vì vậy, hình dáng, trang thiết bị trên tàu không thể xem nhẹ. Thất bại từ dự án đánh bắt xa bờ trước đây được xem là một bài học kinh nghiệm.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng băn khoăn: “Một con tàu lớn như vậy đóng theo thiết kế gì? Ai thiết kế? Trên con tàu đó có giống như tàu gỗ bây giờ hay không? Tàu đó có tủ đông để bảo quản thất thoát sau thu hoạch không?".

Một nội dung khác liên quan tới việc đóng tàu vỏ sắt được đặt ra nữa đó là khi đã có con tàu hiện đại, vấn đề khai thác, vận hành cũng là khâu trọng yếu. Tất nhiên, nguồn nhân lực này cần phải được đào tạo lại một cách bài bản, chính quy hơn trước.

“Từ xưa đến giờ, ngư dân đã quen với tàu gỗ. Nếu quản lý một con tàu sắt với nhiều thiết bị hiện đại sẽ phải đào tạo lại cho phù hợp để ngư dân khai thác hiệu quả”, ông Lưu Quang Khánh - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng cho hay.

Việt Nam là quốc gia biển. Hướng biển, bám biển, phát triển kinh tế biển là chiến lược trọng tâm, lâu dài. Vì vậy, cải hoán, chuyển đổi từ tàu cá vỏ gỗ sang tàu vỏ sắt là bước tiến được ngư dân hưởng ứng, nhân dân ủng hộ. Để “cuộc cách mạng tàu cá” thành công rất cần có sự nghiên cứu hết sức nghiên túc, phù hợp với thực tế. Mỗi con tàu không chỉ mang về nguồn lợi hải sản mà đó còn là cột mốc chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam.

Mời quý vị theo dõi thêm nội dung chi tiết dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước