Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5 km sau 8 năm vẫn chưa hoàn thiện. Vào năm 2017, tuyến đường sắt này đáng lẽ đã phải đưa vào sử dụng nhưng lại bị lùi đến năm 2022. Một dự án với tổng kinh phí lên tới 32.900 tỷ đồng vẫn đang vướng nút thắt về giải phóng mặt bằng và thiếu vốn.
Một dự án khác với mục tiêu phục vụ người dân đi lại nhanh chóng hơn, giải tỏa ách tắc cho giao thông thủ đô, giờ đây chính dự án này trở thành nguyên nhân của ách tắc.
Có thể thấy, một dự án đầu tư công có ý nghĩa vô cùng quan trọng với mục tiêu là để phục vụ cho người dân có được cuộc sống tốt hơn. Nói rộng hơn, đầu tư công là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế, chiếm tới gần 11% tổng giá trị GDP và khoảng 32% tổng mức đầu tư của xã hội trong năm 2018.
Nguồn vốn này từ ngân sách Nhà nước là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Quan trọng là như vậy, tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công liên tục là những điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế xã hội.
Tính đến hết tháng 8, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt gần 38% kế hoạch giải ngân, đặc biệt là vốn đi vay nước ngoài. Đây là nguồn vốn đi vay phải trả lãi và nhiều điều kiện đi kèm theo. Tiêu biểu như vốn ODA, chỉ đạt 10%. Có tới 35 bộ ngành địa phương từ đầu năm đến nay chưa giải ngân nguồn vốn ODA, 16 bộ ngành và 1 địa phương đã giải ngân thấp, dưới 20%.
Nghịch lý là tiền chắt bóp của cả nền kinh tế nằm một chỗ trong khi dự án nằm chờ vốn, cuối cùng, người thụ hưởng là người dân và xã hội lại phải chịu tất cả những lãng phí và những thiệt hại này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!