Đối với Việt Nam, lịch sử chưa ghi nhận xảy ra sóng thần. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nguy cơ cao xảy ra sóng thần và nếu xảy ra sóng thần thời gian ảnh hưởng đến Việt Nam chỉ trong khoảng 2 tiếng. Các vùng biển có nguy cơ cao bị ảnh hưởng gồm 13 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Kịch bản giả định được đặ ra là một trận động đất xảy ra ngoài khơi tại khu vực máng biển sâu Manila, Philippines lúc 8h45, Việt Nam dự báo vùng ảnh hưởng lớn nhất là từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi với độ cao sóng trên 5m, thời gian tấn công từ 10h30 đến 12h30. Ngay lập tức, tổ chuyên gia đã được triệu tập họp và đưa ra các ý kiến nhận định.
Đối sánh với các thông tin từ các Trung tâm cảnh báo sóng thần quốc tế, các chuyên gia đề nghị ban hành tin cảnh báo sóng thần ngay lập tức cho toàn dải ven biển Việt Nam, trong đó đặc biệt lưu ý khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi sẽ có sóng thần với độ cao sóng cực đại từ 6 - 7m.
Các chuẩn tin nhắn cũng được chuẩn bị sẵn, trong đó thông báo cho các địa phương tình hình thực tế và cảnh báo các tàu thuyền phải tiếp tục ở xa bờ cho đến khi hết cảnh báo. Còn các tàu thuyền neo đậu ở cảng hoặc các vịnh phải ra khơi ngay lập tức.
Các bản tin cảnh báo sóng thần sẽ tiếp tục phát lặp lại trên hệ thống trực canh 15 phút/lần theo chu trình cho đến khi hết bản tin cuối cùng về cảnh báo sóng thần.
Đây là đề án được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai triển khai theo đề án xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần 430 của Chính phủ và Viettel là đơn vị cung cấp ứng dụng cảnh báo này. Giai đoạn 1 sẽ được thí điểm tại 21 trạm của Quảng Nam và 30 trạm tại Đà Nẵng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!