Điểm báo sáng 13/4: Chính phủ cần tạo luồng sinh khí mới

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 13/04/2016 09:22 GMT+7

VTV.vn - Chính phủ cần tạo luồng sinh khí mới là một trong số những tin tức đáng chú ý trên các báo sáng nay (13/4).

* Chính phủ mới đang ở trong một tình thế khó khăn hơn trước giai đoạn Đại hội XII của Đảng rất nhiều, trong khi yêu cầu hiện nay là phải ổn định bộ máy và cần thời gian để bộ máy vận hành trơn tru. Khó khăn là thế, nên người dân và các doanh nghiệp lại càng kỳ vọng "Chính phủ cần phải tạo ra luồng sinh khí mới", từ đó tạo được niềm tin, nhờ thế mà nhân dân và doanh nghiệp mới có thể chung tay cùng chính phủ.

* Hôm qua (12/4), Lễ bế mạc kỳ họp thứ 11 đã khép lại một nhiệm kỳ đầy sôi động và đáng tự hào của Quốc hội khóa XIII. Tờ Đại biểu nhân dân đã dẫn lời khẳng định của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: "Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội đã làm việc nghiêm túc và trách nhiệm đến ngày cuối cùng của nhiệm kỳ".

Các cử tri đã ghi nhận sự hăng hái, trách nhiệm và sôi động của Quốc hội dù đã là kỳ họp cuối cùng. Có được sự ghi nhận ấy không thể không nhắc đến sự say mê, nhiệt tình và niềm tự hào của các đại biểu khi là 1 trong 500 đại biểu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Và một trong những giá trị lớn nhất mà nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII để lại chính là tinh thần đổi mới không ngừng để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

* "Nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn" là khẳng định của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách đăng trên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam số ra hôm nay (13/4).

Theo đó, tình hình tăng trưởng quý 1 không như kỳ vọng cùng với động lực tăng trưởng chính từ khu vực công nghiệp không mạnh mẽ. Xu hướng suy thoái chung của các nền kinh tế mới nổi đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh việc đưa ra các khuyến nghị cần thiết, bài báo cũng khẳng định, nếu tận dụng cơ hội từ tự do hóa thương mại và thúc đẩy cải cách hành chính, Việt nam vẫn có các điều kiện cơ bản để tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

* Hệ số an toàn vốn của nhiều ngân hàng đang ở thực trạng rất mong manh và có nguy cơ mất an toàn nếu Hiệp ước vốn Basel II được áp dụng. Vì vậy, phân tích trên tờ Đầu tư đã chỉ ra một thực tế đó là áp lực tăng vốn đang đè nặng lên vai các Ngân hàng. Để đối phó với tình trạng này, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm nay, rất nhiều ngân hàng đang trình hoặc lên kế hoạch trình cổ đông phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu.

* Tờ Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh lại nêu lên một quan ngại đó là nỗi lo vàng "chảy" ra nước ngoài. Sau 5 năm, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá thế giới từ 3 - 5 triệu đồng/lượng, song thời gian gần đây, giá vàng trong nước lại rẻ hơn giá vàng ngoại. Như vậy, trước đây, do giá vàng nội cao hơn thế giới đã tạo cơ hội cho vàng lậu chảy từ các nước vào Việt Nam. Nay thì ngược lại, giá vàng trong nước thấp hơn thế giới dẫn đến hiện tượng vàng từ trong nước bị xuất lậu qua biên giới.

* Hôm qua (13/4), trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết quý 1 năm 2016 do Bộ Giao thông vận tải tổ chức, ông Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã khiến nhiều người giật mình khi công bố những con số thống kê ấn tượng về tình hình giao thông trong 3 tháng đầu năm. Theo đó, cả nước xảy ra 32 vụ ùn tắc giao thông, trong đó, Thành phố Hồ chí Minh là 12 vụ và Hà Nội chỉ là 9 vụ. Người nghe giật mình là phải bởi trong khi cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang đau đầu với vấn nạn tắc đường, tìm nhiều phương án để hạn chế phương tiện cá nhân và chi tới hàng nghìn tỷ đồng để giảm các điểm đen ùn tắc thì những con số thống kê trên hẳn khiến ai cũng phải ngạc nhiên.

* Thay vì sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng theo tiêu chuẩn Codex và tiêu chuẩn Việt Nam, trong dự thảo công bố lấy ý kiến về sửa đổi quy chuẩn mới đây, Bộ Y tế vẫn chia khái niệm sữa ra thành 5 khái niệm khác nhau, đặc biệt là khái niệm về "sữa hỗn hợp".

Theo đó, 5 khái niệm sữa mới bao gồm: Sữa tươi nguyên chất, sữa tươi, sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp. Điều đáng nói ở đây là các khái niệm quy định để phân biệt các loại sữa này lại chung chung và nhập nhèm. Đây là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp ghi nhãn nhập nhèm trên sản phẩm để "đánh lừa" người tiêu dùng và nguy hiểm hơn nữa, chính việc tồn tại của khái niệm "sữa hỗn hợp" sẽ làm giảm sức cạnh tranh của sữa tươi - với hệ lụy là những người nông dân nuôi bò sữa sẽ phải gánh hậu quả.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước