Ông Lê Hồng Nguyên - Vụ trưởng Vụ xã hội, Ban Kinh tế Trung ương - và ông Trương Xuân Cừ - Phó trưởng Ban phụ trách Ban chỉ đạo Tây Bắc - tại Sự kiện & Bình luận sáng nay, 4/10.
Có thể dễ dàng bắt gặp ở những thành phố lớn những người nông dân rời bỏ ruộng vườn lên thành thị để kiếm việc. Cũng có thể dễ dàng bắt gặp những gia đình dân tộc Mông rời bỏ nhà cửa ở các vùng miền núi phía Bắc để vào các tỉnh Tây Nguyên sinh sống. Ở bất kỳ xã hội phát triển nào thì quá trình phát triển và di cư luôn đi đôi với nhau. Đây không phải điều mới lạ.
Trong phòng 2 thập kỷ trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến những dòng người di cư ở trong nước tìm đến nơi có điều kiện thuận lợi hơn, có đời sống tốt hơn. Đó là điều dễ hiểu, tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều hệ luỵ đi kèm. Và chương trình Sự kiện & Bình luận lần này nói về di cư tự phát với hai khách mời - ông Lê Hồng Nguyên, Vụ trưởng Vụ xã hội, Ban Kinh tế Trung ương và ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng Ban phụ trách Ban chỉ đạo Tây Bắc.
Nói về những tác động của việc di cư tự phát đến quy hoạch của địa phương, ông Lê Hồng Nguyên cho biết: "Khi di dân tự phát nghĩa là không được tổ chức, không được bố trí trước, do đó các điều kiện, các nguồn lực để đón họ gần như là chưa có. Trong quyết định 936 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch, phát triển xã hội, kinh tế ở Tây Nguyên, tôi chỉ nêu về dân số thôi, thì trong đó kế hoạch phát triển cho đến năm 2015 là 5 triệu 8, nhưng đến năm 2013 dân số ở đây đã gần 5 triệu 5 rồi. Như vậy là còn 2 năm nữa nhưng dân số đã gần đạt mức quy hoạch".
"Như bạn biết, khi lượng người tăng ngoài mức quy hoạch thì sẽ dẫn tới quá tải về nhiều thứ, trong đó có quá tải về hạ tầng và đặc biệt là thiếu đất sản xuất, thiếu hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện... Như vậy, việc phá vỡ số lượng sẽ dẫn đến hậu quả không nhỏ, gây nên khả năng giảm nghèo, gây nên tình trạng đời sống của bà con tạm bợ mà không ai bằng lòng cả".
"Tiếp theo, do mới vào chưa ổn định, sinh kế khó khăn thì dẫn tới việc đói nên đầu gối phải bò, người ta tìm mọi cách để sinh sống và do đó không loại trừ đến việc phá rừng" - ông Nguyên nói tiếp - "Như các bạn biết, việc chặt phá rừng dẫn đến những hậu quả khôn lường, đặc biệt trong thời kỳ Việt Nam được dự báo là một trong những nước chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu và một trong những nguyên nhân là ở khâu cân bằng sinh thái, trong đó có việc phá rừng lấy đất sẳn xuất".
Ông Lê Hồng Nguyên, Vụ trưởng Vụ xã hội, Ban Kinh tế Trung ương.
Trước câu hỏi từ năm 1975 đến nay đã có hơn 937000 dân di cư đến Tây Nguyên, điều gì khiến vùng đất này trở nên hấp dẫn những người dân di cư như vậy, ông Lê Hồng Nguyên cho rằng đó là do điều kiện sinh kế và đất đai màu mỡ.
"Tây Nguyên là vùng đất bazan có điều kiện sinh kế tốt hơn, đất đai màu mỡ, thời tiết ôn hoà, con người thì bộc trực, thân thiện. Nôm na thì đây là vùng đất của cuộc sống, vùng đất lành".
Trong số những người dân di cư vào Tây Nguyên, theo thống kê, chiếm 50% là dân tộc Mông - một dân tộc sống du canh du cư. Ông Trương Xuân Cừ - người đã có kinh nghiệm 29 năm công tác ở tỉnh Điện Biên - đã lý giải cho hiện tượng này như sau: "Người dân rời bỏ Tây Bắc vào Tây Nguyên trước hết là vì đất đai màu mỡ, nhưng ngoài điều đó ra thì còn các yếu tố khác như vấn đề tâm linh, vấn đề sinh hoạt bầy đàn, vấn đề tự ti dân tộc...".
"Đồng bào dân tộc sống ở Tây Bắc đời sống vẫn còn nhiều khó khăn và so khoảng cách với người Kinh thì còn rất xa nên họ cũng có sự tự ti dân tộc. Đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên thì đời sống cũng còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí cũng còn thấp cho nên đồng bào Tây Bắc cũng muốn vào đấy để hoà nhập và thậm chí vươn lên rõ nét hơn. Trình độ phát triển của đồng bào dân tộc Tây Nguyên còn thấp nên cạnh tranh trong cuộc sống cũng ít bị áp lực hợn. Họ cũng muốn bỏ một số hủ tục lạc hậu ở quê hương và nếu vẫn sống ở đây thì họ sẽ không thể bỏ được. Nếu di cư đi nơi khác thì có thể bỏ được một số hủ tục lạc hậu".
Ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng Ban phụ trách Ban chỉ đạo Tây Bắc. Ông Cừ có 29 năm công tác ở Tỉnh Điện Biên
Với đặc tính là một dân tộc sống du canh du cư, quen chặt phá rừng làm nương rẫy, người Mông đã gây ra tình trạng chặt phá rừng ở Tây Bắc rất nghiêm trọng. Vậy, điều này có bị lặp lại khi những người Mông di cư vào Tây Nguyên?
"Tây Bắc là vùng hết sức phong phú về rừng, tuy nhiên, từ năm 1960 cho đến nay, hàng triệu hecta rừng bị chặt phá làm nương rẫy khiến rừng cạn kiệt. Đặc điểm cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông là du canh du cư và phá rừng. Hiện nay, số rừng nguyên sinh còn lại rất ít, chủ yếu là rừng tái sinh" - ông Trương Xuân Cừ trả lời - "Đồng bào Mông di cư vào Tây Nguyên thì sinh kế chủ yếu là sản xuất, điều kiện muốn cũng không có và đi làm thuê thì rất ít cho nên sinh kế duy nhất của đồng bào là phá rừng làm nương rẫy. Vì thế, việc phá rừng những năm trước chắc chắn sẽ lặp lại ở Tây Nguyên".
"Khi nói đến di cư chúng ta sẽ nói đến chỗ đến và chỗ đi, chỗ đi thì có lực đẩy để người ta đi và lực đẩy thì chủ yếu là sinh kế khó khăn và phong tục tập quán" - ông Lê Hồng Nguyên nói thêm - "Như anh Cừ nói thì rừng ở Tây Bắc đã bị phá để trồng trọt, nên điều kiện sinh kế của họ quá khó khăn, nó tạo thành cái lực đẩy.Trong khi đó ở Tây Nguyên với đất bazan, điều kiện sinh kế tốt hơn, nó tạo thành lực hút. Tôi nghĩ nguyên nhân số một cử di dân vẫn là điều kiện sống, sinh kế của dân".
Để được nghe nhiều hơn cuộc toạ đàm của hai khách mời tại Sự kiện & Bình luận, bạn hãy tiếp tục theo dõi trong video dưới đây: