Đề xuất sửa đổi nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm

Thái Thanh-Thứ bảy, ngày 14/06/2014 14:48 GMT+7

Hình minh họa

Chiều 13/6, Quốc hội đã thảo luận tại phiên họp toàn thể về việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết 35 của Quốc hội về Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Sau đây là ghi nhận một số ý kiến của đại biểu Quốc hội sau phiên thảo luận toàn thể về các đề xuất sửa đổi nghị quyết này.

Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, theo nghị quyết 35, bao gồm người đứng đầu các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp với 49 chức danh, có Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc việc không lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh của cơ quan lập pháp, vì các cơ quan này hoạt động theo chế độ nghị viện, quyết định theo đa số.

Ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nói: "Chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với các cơ quan hành pháp bởi vì cơ quan hành pháp là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Thứ hai, cơ quan hành pháp là cơ quan thực hiện cơ chế, chế độ thủ trưởng".

Đề cập đến thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, Nghị quyết 35 quy định lấy phiếu hàng năm. Dự thảo nghị quyết sửa đổi đề nghị lấy phiếu một lần trong suốt nhiệm kỳ 5 năm, vào thời gian giữa nhiệm kỳ. Đại biểu Quốc hội đề nghị nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ 5 năm

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc nói: "Tôi nghĩ rằng chúng ta nên lấy làm 2 kỳ, kỳ thứ nhất, cũng như ý kiến của nhiều ĐBQH, chúng ta lấy vào năm thứ hai và lần lấy thứ hai là chúng ta lấy vào năm thứ tư thì hợp lý bởi vì lấy phiếu tín nhiệm để chúng ta đánh giá, cán bộ cũng như là cái bước để những người được lấy phiếu nhìn nhận về chính công việc của mình".

Về mức độ lấy phiếu tín nhiệm, trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, cũng như nghị quyết hiện hành thì có 3 mức, tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Các ý kiến đều đề nghị nên chỉ để hai mức để dễ đánh giá, phân loại.

Ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nói: "Theo tôi cũng như nhiều ĐBQH khác thảo luận ở tổ, đề nghị là nên chỉ để hai mức, tín nhiệm và thứ hai là không tín nhiệm".

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc nói: "Qua tiếp xúc cử tri, mọi người cũng như bản thân tôi cũng đề nghị, chúng ta nên lấy hai mức thôi, tín nhiệm và không tín nhiệm".

Cũng trong phiên họp chiều 13/6, có đại biểu Quốc hội còn đề nghị, trước khi thông qua Nghị quyết sửa đổi, Quốc hội nên lấy phiếu thăm dò ý kiến đại biểu trước các phương án này, để tránh tình trạng Nghị quyết được Quốc hội thông qua giữ nguyên 3 mức tín nhiệm như dự thảo.

Nếu như vậy, khi thực hiện lấy phiếu tín nhiệm sẽ có người được 50% số phiếu tín nhiệm cao, 50% có số phiếu tín nhiệm thấp, nhưng lại không có phiếu tín nhiệm nào và đại biểu khó có căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của chức danh có số phiếu như vậy.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước