Đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm mà TP.HCM đang triển khai ban đầu được xem là có tính đột phá và hướng tới mục tiêu để người chăn nuôi, thương lái, người bán hàng phải tự chịu trách nhiệm với hàng hóa mình sản xuất khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường.
Quy trình áp dụng đeo vòng truy xuất nguồn gốc thịt lợn được thực hiện như sau:
- Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị cung cấp chiếc vòng truy xuất nguồn gốc thịt lợn.
- Lợn sẽ được đeo vòng tại nơi chăn nuôi trước khi xuất chuồng. Khi xuất chuồng, chiếc vòng này sẽ được kích hoạt thông qua điện thoại thông minh.
- Thương lái thu mua sẽ kích hoạt chiếc vòng lần hai.
- Khi lợn được đưa đến lò mổ, chủ lò mổ sẽ kích hoạt chiếc vòng lần 3.
- Lợn sau khi mổ xong đưa vào các chợ, ở đây, người bán sẽ kích hoạt chiếc vòng lần 4.
- Mỗi người chăn nuôi, thương lái, chủ lò mổ và người bán hàng sẽ có một mã số kích hoạt riêng. Mã số này đăng ký với Sở Công Thương. Nhờ đó khi truy xuất ngược, người tiêu dùng hoặc cơ quan quản lý sẽ biết được chủ thể của từng công đoạn.
Quy trình trên được cho là khá chặt chẽ từ khâu sản xuất tới nơi tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện nay, TP.HCM mỗi ngày tiêu thụ hàng chục nghìn con lợn; khoảng 80% số đó có đeo vòng truy xuất nguồn gốc; nhưng chỉ có khoảng một nửa trong số đó là vòng truy xuất chính xác, cho phép truy xuất được thông tin của trang trại; số còn lại là đối phó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!