Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng nay (3/11) về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về tái cơ cấu kinh tế như: tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu nông nghiệp...
Nhìn chung, các đại biểu đều đồng tình và đánh giá cao về Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội trước đó. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng bày tỏ lo lắng về thách thức trong thời gian tới, đặc biệt là tăng cường nguồn lực cho tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu...
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cho biết: "Để thực hiện tái cơ cấu ngân hàng thương mại, thời gian qua đã tập trung xử lý nợ xấu các ngân hàng thương mại yếu kém, đi đôi với việc nâng cao chất lượng tín dụng và bảo đảm an toàn hệ thống. Theo đó, để xử lý ngân hàng thương mại yếu kém, một số ngân hàng lớn có hiệu quả kinh doanh tốt được chỉ định sáp nhập, mua lại ngân hàng nhỏ đang gặp khó khăn và giao cho công ty mua bán nợ, mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu đó".
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry phát biểu trước Quốc hội sáng 3/11. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu này đã bày tỏ lo ngại: "Vấn đề đặt ra ở đây là trong điều kiện nước ta hiện nay, thị trường mua bán nợ chưa hình thành, trong khi đó nợ xấu mới được khoanh vùng và chưa xử lý dứt điểm là điều đáng quan ngại và có nguy cơ làm gia tăng gánh nặng cho ngân sách của nhà nước".
Về nội dung này, trao đổi tại Hội trường trong giờ nghỉ giải lao sáng nay, ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cho rằng ý kiến của đại biểu Trần Thị Hoa Ry rất đúng.
"Hiện nay, chúng ta mới chỉ khoanh nợ xấu lại để cho các tổ chức tín dụng có điều kiện hoạt động tốt hơn và các doanh nghiệp đang có nợ xấu có thể tái cơ cấu nợ xấu để tiếp tục hoạt động. Nợ xấu đó đang chuyển cho VAMC quản lý.
Trong tái cơ cấu tổ chức tín dụng, cần tái cơ cấu nợ xấu, trong đó đặt ra, nếu tổ chức tín dụng nào không thể giải quyết được nợ xấu thì thậm chí phải nghĩ đến phương án phá sản" - đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết thêm.
Đại biểu Quốc hội kiến nghị xử lý nợ xấu cần thực chất, hiệu quả
Về nội dung xử lý nợ xấu, đại biểu Trần Thị Hoa Ry tiếp tục đặt câu hỏi: "Trong điều kiện nợ công tăng như hiện nay, thực chất nợ xấu chiếm bao nhiêu phần trăm so với tổng dư nợ? Trong khi Ngân hàng Nhà nước báo cáo đến tháng 9/2016, nợ xấu chiếm 2,62%, còn theo công bố của IMF đối với Việt Nam tính đến tháng 7/2016 là 12,05%? Tôi đề nghị ngân hàng cần báo cáo rõ thêm vấn đề này".
Đại biểu này cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu hơn để xử lý thực chất nợ xấu khi bán cho công ty mua bán nợ; đồng thời có kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phân loại các tổ chức tín dụng để hạn chế phát sinh nợ xấu mới.
Đại biểu Hoàng Văn Trà phát biểu trước Quốc hội sáng 3/11.
Cũng về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Trà (đoàn Phú Yên) cho biết: "Cử tri đặc biệt quan tâm đến tình hình nợ công, nợ xấu tăng nhanh, yêu cầu phải tìm ra các nguyên nhân và giải pháp để giải quyết một cách thực sự có hiệu quả".
Trong phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Nguyễn Xuân Thanh (đoàn TP Cần Thơ) cũng kiến nghị: "Cần đẩy mạnh khoanh vùng xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời, dứt điểm như: nợ công, nợ xấu, lãng phí đầu tư công...".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!