ĐBQH: Khi minh bạch, người dân sẽ không còn hỏi "đồng chí này là con đồng chí nào?"

Thùy An-Thứ năm, ngày 24/10/2019 12:21 GMT+7

VTV.vn - Thế nào là người tài? Phải làm sao để đằng sau mỗi một quyết định bổ nhiệm không còn là những ánh mắt nghi ngờ từ người dân?

Trong sáng nay (24/10), Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Cần một cơ chế công khai, minh bạch

"Khi một cán bộ trẻ được quy hoạch hay bổ nhiệm, dư luận quan tâm lắm và hay đặt câu hỏi "đồng chí này là con đồng chí nào. Nếu là con của cán bộ, họ quan tâm hơn", đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho biết trong phần phát biểu của mình.

ĐBQH: Khi minh bạch, người dân sẽ không còn hỏi đồng chí này là con đồng chí nào? - Ảnh 1.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum)

Theo đại biểu Tám, người dân hay cử tri đặt câu hỏi như vậy là bởi họ thiếu thông tin. Đại biểu Tám cho biết về nguyên tắc, tất cả cán bộ công chức đều được tạo điều kiện, có cơ hội thăng tiến như nhau dù là con của cán bộ hay con của người dân.

"Vấn đề ở đây là cần phải công khai minh bạch trong quá trình quy hoạch, tổ chức cán bộ. Cho nên bổ sung quy định vấn đề công khai minh bạch trong tổ chức cán bộ để người dân có đủ thông tin là điều cần thiết. Ngoài ra với đầy đủ thông tin, người dân cũng có đủ công cụ để thực hiện quyền giám sát của mình với cán bộ công chức", ông Tám nhấn mạnh.

Thế nào là "người tài"?

Khái niệm thế nào là "người tài" quy định trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức là vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm trong phiên họp vào sáng nay.

Theo Điều 6 trong dự án: "Người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được".

Phát biểu về nội dung này, đại biểu Trần thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho biết, đây là một khái niệm chung chung.

"Khái niệm này đọc lên là khái niệm mang tính chất chung chung và như đang "mở đường" cho người gian lận thi cử để được đánh giá là người có tài năng, tạo kẽ hở hết sức nguy hiểm", đại biểu Khánh cho biết.

Theo đại biểu Khánh, cần phải cụ thể vấn đề này ra, thì chúng ta sẽ có định lượng.

ĐBQH: Khi minh bạch, người dân sẽ không còn hỏi đồng chí này là con đồng chí nào? - Ảnh 3.

Đại biểu Trần thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội)

Tương tự, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cũng đặt câu hỏi: Tại sao ban soạn thảo không định nghĩa được khái nhiệm người tài. Theo đại biểu Vân, điều này rất quan trọng khi mà hiện đất nước đang rất cần những người tài.

"Triết lý phát triển của các quốc gia hóa rồng, trong đó số 1 là nhân tài. Trọng dụng nhân tài phải thực tâm có như vậy chúng ta mới phát triển được", đại biểu Vân khẳng định.

Cũng liên quan đến vấn đề "người tài", theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nếu thực hiện tốt chính sách thì sẽ thu hút được nhiều người có tài năng trong bộ máy thực thi công vụ của Nhà nước. Chất lượng thực thi công vụ các cấp sẽ được nâng lên vì được thực hiện bởi những người có tài năng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có một số quy định pháp luật không đi vào cuộc sống, thể hiện trên giấy, không hoặc chậm triển khai trong thực tiễn, có quy định bị vận dụng không đúng gây bức xúc.

ĐBQH: Khi minh bạch, người dân sẽ không còn hỏi đồng chí này là con đồng chí nào? - Ảnh 4.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận)

"Chúng ta từng nghe dư luận xã hội phản ánh không tin vào việc người tài được trọng dụng, cho rằng vào được bộ máy Nhà nước là phải có những thứ như tiền tệ, quan hệ, hậu duệ...", bà Hương nói.

Theo bà Hương, để thực hiện đúng bản chất viêc trọng dụng người tài thì cần bổ sung cơ chế để phát hiện người có tài năng, cơ chế ràng buộc trách nhiệm với những người có trách nhiệm thực hiện chính sách trọng dụng người có tài năng đồng thời cần xử lý trách nhiệm việc không thực hiện chính sách.

Điều 6. Chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ

1. Người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được.

2. Nhà nước có chính sách trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.

3. Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định khung chính sách trọng dụng và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ áp dụng trong cơ quan, tổ chức ở trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị không do tỉnh quản lý; người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 39 của Luật này quyết định chế độ trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng áp dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

4. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định khung chính sách trọng dụng và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ áp dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do tỉnh quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chế độ trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng áp dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do cấp tỉnh quản lý".

(Trích dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức)

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước