Dạy thêm, học thêm: Nhu cầu có thật

Tuyết Nhung-Thứ ba, ngày 22/01/2013 11:52 GMT+7

Ảnh minh họa. Nguồn: Lao động

Ý kiến của các đại biểu từ buổi tiếp xúc cử tri quận 5, TP.HCM cho thấy, dạy thêm và học thêm cũng là một nhu cầu có thật, do vậy cần được xem xét để điều chỉnh một cách hợp lý.

Lạm thu, dạy thêm, học thêm là vấn đề mà cộng đồng xã hội rất quan tâm và những biện pháp để giải quyết tình trạng này là mục tiêu mà TP.HCM đang hướng đến. Đây cũng là chuyên đề của ĐBQH trong buổi tiếp xúc cử tri quận 5, TP.HCM. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã đến tham dự và có ý kiến đóng góp xung quanh các vấn đề này.

Việc chọn chuyên đề với nội dung về vấn đề lạm thu, dạy thêm, học thêm cho buổi tiếp xúc cử tri được xem là cách làm mới của UBMTTQ các địa phương và thực sự thu hút được rất nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết với ngành giáo dục xung quanh Thông tư 17 của Bộ Giáo dục Đào tạo quy định cấm các thầy, cô giáo dạy thêm. Đa số các cử tri đều cho rằng, với chương trình học phổ thông còn nặng như hiện nay cùng với mong muốn cho con em mình được truyền đạt một nền giáo dục tốt nhất, việc học thêm là hoàn toàn chính đáng. Đó cũng là nguyện vọng tha thiết không chỉ của phụ huynh mà cả học sinh.

Ông Nguyễn Vĩnh Xuyên, nguyên giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM kiến nghị: “Việc dạy thêm của các thầy cô giáo là hoàn toàn hợp pháp và đó cũng là hình thức “gỡ” thêm cho đồng lương cho các thầy cô giáo. Trường hợp học thêm, dạy thêm có một số khiếm khuyết nhưng rất nhỏ, tôi mong chương trình sẽ giảm tải, nếu có dạy thêm chỉ là phụ đạo cho một số học sinh yếu kém và bồi dưỡng cho số học sinh giỏi để đào tạo nhân tài cho đất nước”.

Cũng từ vấn đề dạy thêm, học thêm, một vấn đề khác cũng được đặt ra đó là lạm thu. TP.HCM là một trong những địa phương đã thực hiện tốt thông tin về vấn đề lạm thu cũng như cách thức xử lý vấn đề này một cách kịp thời, tuy nhiên cũng không tránh được những bức xúc đối với cha mẹ học sinh và xã hội. Và buổi sinh hoạt chuyên đề cũng đã trở thành kênh thông tin để Sở Giáo dục Đào tạo chia sẻ những nỗ lực cũng như giải pháp cho vấn nạn này.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Năm nay chúng tôi tách ra rất rõ những khoản thu theo quy định của Nhà nước, khoản thu hộ, chi hộ và khoản thu theo thỏa thuận của phụ huynh. Cần tổ chức Đại hội Cha mẹ học sinh đầu năm học theo từng lớp, các công trình phụ huynh đóng góp phải có bàn bạc với từng phụ huynh, đặc biệt là không thu bình quân mà nên để tự nguyện”.

Trước những ý kiến đóng góp của các cử tri xung quanh Thông tư 17, Đồng chí Lê Thanh Hải, ĐBQH Quận 5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã ghi nhận và có ý kiến chỉ đạo Sở GD-ĐT cần đi sâu hơn nữa, cụ thể hóa những vấn đề thuộc trách nhiệm của thành phố như quy định điều kiện tổ chức dạy thêm để hài hòa những quy định của Nhà nước với những quy định thực tế cuộc sống, làm sao phải hiện thực hóa quy định và phát huy tác dụng trong xã hội.

“Tôi tin tưởng TP.HCM đã có truyền thống năng động sáng tạo, sẽ có những đóng góp tích cực hiệu quả xung quanh vấn đề dạy thêm, học thêm theo quy định 03 của Bộ GD-ĐT. Vấn đề đổi mới giáo dục hiện nay là quan trọng nhất”, ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước