Lâu nay, việc cai nghiện tại các trung tâm thực chất là quá trình cắt cơn kéo dài trong môi trường khép kín. Theo các chuyên gia, đây chỉ là bước đầu của việc điều trị và không mang lại hiệu quả lâu dài. Quan trọng nhất là khi người nghiện về với cộng đồng. Nhiều trung tâm cai nghiện hiện cũng thiếu các dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý, những yếu tố được coi là quan trọng để hỗ trợ cai nghiện.
Mới đây, một đề án đổi mới công tác cai nghiện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm xuống còn 6% đối với những người nghiện có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội. Số còn lại sẽ được hỗ trợ để tổ chức cai nghiện tại cộng đồng.
Những điểm uống thuốc thay thế Methadone tại cộng đồng giúp người nghiện cắt cơn ngay tại địa phương và gia đình mà không cần vào trung tâm cai nghiện. Tổ công tác xã hội tình nguyện đang được xây dựng ở nhiều địa phương để quản lý giúp đỡ người nghiện và sau cai về tinh thần để họ tích cực và quyết tâm tham gia vào quá trình cai nghiện.
Một trong những yếu tố giúp việc cai nghiện trong cộng đồng hiệu quả đó là những tổ công tác cai nghiện tại địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất ít địa phương trong cả nước, có những tổ công tác này, cũng như các tổ phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác của ngành lao động thương binh và xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!