“Đây là tháng 10 mưa lũ nghiêm trọng và khó lường nhất trong nhiều năm qua”

Khánh Nguyễn-Thứ tư, ngày 11/10/2017 18:51 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nhận định như vậy trong cuộc họp khẩn với các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Chiều 11/10, trước tình hình mưa lũ bất thường ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc họp khẩn với các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để triển khai các biện pháp ứng phó. Cùng tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, trong 3 ngày vừa qua ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 200 mm đến 300 mm, một số nơi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh từ 400 đến 600 mm. Mưa lũ đã gây ngập úng, cô lập một số khu dân cư tại các vùng thấp trũng, ven sông suối Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái...

Dự báo về tình hình thời tiết trong những ngày tới tới, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường cho biết, một vùng áp thấp nhiệt đới đang hình thành ngoài biển Đông có thể sẽ tiếp tục gây mưa: "Áp thấp nhiệt đới tính đến 13h chiều 11/10 cách biển Đông khoảng 1.500 km. Từ đêm 12/10 đến sáng 13/10, áp thấp nhiệt đới sẽ vào biển Đông. Đến đêm 13/10, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, kết hợp với không khí lạnh tăng cường ngày 15-16/10 nên diễn biến rất khó lường".

“Đây là tháng 10 mưa lũ nghiêm trọng và khó lường nhất trong nhiều năm qua” - Ảnh 1.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường dự báo, một vùng áp thấp nhiệt đới đang hình thành ngoài biển Đông.

Đặc biệt, ngày hôm qua và sáng nay (11/10), tại các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa tiếp tục có mưa rất to, lũ lớn về hồ Hòa Bình với lưu lượng đỉnh lũ 14.720 m3/s. Đây là đợt lũ lớn bất thường trong tháng 10 (sau mùa lũ ở Bắc Bộ) và theo thống kê thì đây là trận lũ lớn nhất từ trước tới nay về hồ Hòa Bình trong tháng 10.

Thủy điện Hòa Bình đã phải mở liên tiếp 8 cửa xả đáy từ 19h ngày 10/10 đến 11h30 ngày 11/10, và mới đóng 1 cửa xả vào 13h30 ngày 11/10.

Mưa lũ cũng đã gây ra những thiệt hại lớn về người (20 người chết, 12 người mất tích, 5 người bị thương) tại các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái; làm sập và bị ngập hơn 3.000 căn nhà, di dời khẩn cấp 135 nhà; 348 ha lúa bị thiệt hại; gần 14.000 ha rau màu, hoa màu bị ngập và thiệt hại; hàng nghìn gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi.

Báo cáo Phó Thủ tướng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, mưa lũ xuất hiện thời gian qua cho thấy thời tiết ngày càng dị thường, trái với quy luật.

"Do tình hình mưa chỉ trong vòng 2 ngày, đặc biệt trong tối và đêm 10/10, tức là trong thời gian ngắn và mưa trên diện rộng khiến hầu hết mực nước trên các sông ở lưu vực sông Hồng và ở miền Trung đều ở mức báo động 3, các đê nhiều đoạn có nguy cơ sạt lở; 2.984 hồ đều đầy, một số diện tích trũng từ Hà Tĩnh trở ra đều bị ngập ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Năm nay có thể thấy rõ tác động của biến đổi khí hậu là hết sức khôn lường. Lượng mưa năm nay, đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, có nơi gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi bình quân. Đây là đợt lớn nhất trong nhiều năm nay về dạng hình mưa lũ. Trong vòng 10 nâm nay, chưa bao giờ chúng ta hứng chịu đợt mưa lớn xảy ra dồn dập đến vậy", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương tiếp tục bám sát diễn biến thời tiết, đặc biệt là áp thấp nhiệt đới đang hình thành ngoài biển Đông và kịp thời báo cáo; Bộ Công Thương và EVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai trong công tác vận hành hồ chứa.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó với mưa lũ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các ban ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp, tích cực tìm kiếm số người còn mất tích do mưa lũ tại các tỉnh.

“Đây là tháng 10 mưa lũ nghiêm trọng và khó lường nhất trong nhiều năm qua” - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận cuộc họp.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cần khẩn trương tiếp cận với người dân ở khu vực đang bị cô lập, tìm mọi cách cung cấp lương thực, nước, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết.

Mưa lũ dẫn đến nước đổ về các hồ thủy điện, thủy lợi rất lớn, do đó Phó Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành địa phương cần thực hiện cho thật tốt công tác vận hành liên hồ chứa. Tại các hồ này, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp phải luôn sẵn sàng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Vừa qua, mưa lũ đã làm một số tuyến đường, công trình giao thông bị hỏng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT phối hợp với lực lượng công an các địa phương khẩn trương khắc phục các sự cố này, đồng thời hướng dẫn người dân không đi qua khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các địa phương tìm phương án bảo vệ để giảm thiểu thiệt hại về nông nghiệp do mưa lũ gây ra.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, cơ quan khí tượng thủy văn theo dõi sát sao diễn biến thời tiết trong những ngày tới, đặc biệt là cơn áp thấp nhiệt đới đang chuẩn bị vào Biển Đông và có xu hướng mạnh lên thành bão. Cơ quan truyền thông cần tăng cường thời lượng đưa tin các bản tin thời tiết, tình hình mưa lũ ở các địa phương để người dân nắm được.

32 người thiệt mạng và mất tích do mưa lũ 32 người thiệt mạng và mất tích do mưa lũ Mưa lũ tại Thanh Hóa, 5 người thiệt mạng Mưa lũ tại Thanh Hóa, 5 người thiệt mạng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai kiểm tra tình hình mưa lũ tại Hòa Bình Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai kiểm tra tình hình mưa lũ tại Hòa Bình

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước