Kim Sơn - Ninh Bình là một huyện nằm ở ven biển, những năm gần đây Kim Sơn không chỉ phát huy thế mạnh về nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống mà còn thúc đẩy phát triển du lịch với nhiều loại hình đa dạng như: Du lịch tâm linh; du lịch sinh thái; du lịch làng nghề truyền thống… Thời gian tới, Kim Sơn sẽ đẩy mạnh ngành dịch vụ du lịch, là điểm nối tiếp với khu du lịch tâm linh Bái Đính, Tràng An của Hoa Lư.
Nhân dịp Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập huyện và 65 năm giải phóng huyện Kim Sơn, chính quyền và nhân dân nơi đây đã tổ chức thành công hàng loạt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại các địa phương, trong đó có công trình cổng chào nằm ở cửa ngõ phía Bắc của huyện, được đặt trên đường Quốc lộ 10, đoạn qua xã Ân Hòa.
Công trình cổng chào huyện Kim Sơn được thiết kế dựa trên các yếu tố độc đáo về văn hóa, lịch sử đất Kim Sơn, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa quá khứ - hiện tại - tương lai. Đây là công trình mang tính biểu tượng của huyện, không chỉ giới thiệu quảng bá hình ảnh về đất và người Kim Sơn mà còn khơi dậy niềm tự hào và nêu cao ý thức trách nhiệm về việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người dân nơi đây, thể hiện sự chào đón thân thiện và lòng mến khách khi về với Kim Sơn. Công trình dựa trên những cấu trúc, kết cấu theo nguyên lý, họa tiết, chi tiết hoa văn có giá trị lịch sử hàng nghìn năm. Trong đó, phần trên được thiết kế dựa trên các yếu tố công trình kiến trúc tiêu biểu cầu ngói cổ kính - biểu trưng cho lịch sử, văn hóa đặc trưng của huyện Kim Sơn.
Về ý nghĩa và kết cấu: Cổng chào được sử dụng hình ảnh bức tường thành vách thể hiện sự uy nghi, vững chãi, có kết nối với quá khứ là cung hoàng thành Hoa Lư xưa. Kết cấu phần đế được đắp bằng bê tông cốt sắt, bên ngoài được ốp đá xanh đảm bảo chất lượng và sự bền vững. Kiến trúc cổ truyền, cột tròn, có lan can bằng điêu khắc đá, trang trí họa tiết truyền thống theo phong cách của đình, chùa, cổng làng. Phần mái cổng hình cong dựa theo kết cấu cầu ngói Kim Sơn cổ kính. Trên mái được lợp ngói vẩy cá hoặc ngói mũi hài theo kiến trúc truyền thống của Bắc Bộ. Bên trên sử dụng bê tông toàn khối, toàn bộ hệ thống cột bằng bê tông, sơn giả gỗ.
Quy mô cổng chào được xây dựng với kích thước: chiều rộng là 23 m; trong đó chiều rộng thông thủy là 13,1 m. Tổng chiều cao của cổng chào là 17,8 m, khoảng cách thông thủy tính từ mặt đường đến đáy dầm cầu là khoảng 6 m đảm bảo cho các phương tiện lưu thông bên dưới một cách an toàn, thuận tiện.
Cổng được thiết kế gồm 3 phần: trụ cổng, sàn cổng và mái cổng. Trong đó, trụ cổng có dạng hình thang, chân trụ có chiều dài 7,7 m, rộng 4,65 m, cao 7 m được kết cấu bằng bê tông cốt thép, xung quanh được ốp bằng gạch tuynel, phía mặt trụ được ốp bằng đá. Sàn cổng được đúc bằng bê tông cốt thép, có diện tích 20,1m x 6,4m. Mặt sàn hình bông sen, được lát bằng đá xanh băm. Lối đi lên sàn cổng cũng được thiết kế cầu thang bằng bê tông cốt thép. Cổng chào gồm hai mái, mái trên và mái dưới, có hình dạng mái đao được đắp bằng bê tông cốt thép. Mặt mái cổng được dán ngói mũi hài. Trụ đỡ của mái được đắp hình con rường (chồng rường) bao gồm các đoạn gối đỡ hoành mái, được đặt chồng lên nhau. Đỉnh mái được gắn logo của huyện.
Công trình xây dựng cổng chào huyện Kim Sơn nằm trên Quốc lộ 10, đoạn qua xã Ân Hòa. Với mức đầu tư từ nguồn xã hội hóa, 100% số tiền này được các công ty, doanh nghiệp và cá nhân trong địa phương đóng góp, ủng hộ, hỗ trợ như: Doanh nghiệp Xuân Trường, Công ty TNHH Long Hải, Công ty Sông Đà - Việt Đức, Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn… Đây sẽ là một công trình đẹp, mang đậm dấu ấn văn hóa vùng đất Kim Sơn.
Các tiêu chí trên đã được nghiên cứu, thảo luận một cách kỹ lưỡng trước khi đưa vào xây dựng, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa đảm bảo tính kinh tế, văn hóa, giá trị lịch sử lâu dài. Dự kiến công trình hoàn thiện trong năm 2020 này, đây sẽ là một công trình đẹp, mang đậm dấu ấn văn hóa vùng đất Kim Sơn, góp phần tạo điểm nhấn kiến trúc tại cửa ngõ phía Bắc của huyện, tạo ấn tượng sâu đậm với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế khi đến thăm quan, du lịch vùng đất Kim Sơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!