Nhắc tới Nhà báo Phan Quang, ta nhớ đến thế hệ vàng của báo chí cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, cùng những nhà báo đương thời: Hoàng Tùng, Thép Mới, Hữu Thọ, Hà Đăng. Ông từng gánh vác nhiều trọng trách: Thứ trưởng Bộ Thông tin, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Viết báo khi tuổi đôi mươi, nhà báo Phan Quang luôn tâm niệm lời Bác Hồ: "Viết có hay người ta mới đọc". Muốn viết hay, đòi hỏi tích lũy kiến thức. Và đọc sách, tự học, chính là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức với bất cứ ai, ở bất cứ thời điểm nào.
"Đọc - Đi - Nghĩ - Viết" - cuộc đời cầm bút của nhà báo Phan Quang được chính ông khái quát như vậy. Bắt đầu với việc đọc, lấy tự học làm gốc, sách là bạn đồng hành. Tài năng là sự tích lũy và học rộng là phải đọc nhiều. Những đúc kết này của ông bắt nguồn từ nền tảng tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kỷ niệm về Bác không bao giờ ông quên.
Phục vụ đất nước, nhân dân, gia tài đồ sộ của nhà báo Phan Quang là hàng nghìn bài báo và hơn 50 tác phẩm văn học đã xuất bản - thành quả của quá trình tích lũy từ những chuyến đi. Tới đâu, ông cũng sưu tầm tài liệu, ghi chép bền bỉ, lấy chất liệu để viết.
Nhà báo Phan Quang còn là một dịch giả. Tác phẩm "Nghìn lẻ một đêm" dịch từ tiếng Pháp được xuất bản hơn 40 lần, gắn bó với nhiều thế hệ. Đáng khâm phục, nhà báo Phan Quang đã tiếp xúc với văn học Pháp năm lên 6, tự học và trau dồi ngoại ngữ qua năm tháng.
Cống hiến tài năng, tâm sức, nhiệt huyết, cả đời nhà báo Phan Quang không ngừng đọc, không ngừng viết. "Tím ngát tuổi hai mươi" là cuốn truyện ngắn vừa được xuất bản khi nhà báo Phan Quang đã hơn 90. Tâm hồn ông vẫn tỏa nắng, rực rỡ như khi đôi mươi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!