Ngay sau khi nhiều số liệu kinh tế được Tổng Cục thống kê công bố, chính phủ đã có phiên họp trực tuyến với các địa phương trên cả nước bàn về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm nay và xác định động lực phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng cuối năm.
Theo tờ Đầu tư, tăng trưởng GDP nửa năm 2018 đạt mức 7,08%, cao nhất trong vòng 8 năm qua. Mức tăng trưởng này đã tạm "gạt qua một bên" mối lo về chu kỳ khủng hoảng 10 năm.
Trong khi đó, trang nhất tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam đã phân tích nhiều con số tích cực. Động thái lớn cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng qua vẫn đến từ xuất khẩu, và chủ yếu là tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp. Trong bài "Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu" chỉ rõ đã có 20 mặt hàng gia nhập câu lạc bộ tỷ đô. Ngoài ra, ngành chế biến chế tạo dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành công nghiệp khi tăng trưởng hơn 13%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
Mặc dù những con số kinh tế công bố thể hiện nhiều gam màu sáng, tuy nhiên trong phiên họp trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu "tăng trưởng cao nhưng phải đảm bảo chất lượng".
Đây cũng là tựa đề báo Sài gòn Giải phóng đặt cho bài viết. Tờ báo này nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cần đẩy mạnh cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tướng yêu cầu cán bộ không được ôm việc, ôm lợi ích "không gặp tôi không xong". Thủ tướng cũng cảnh báo tình trạng đang có sức ỳ trong bộ máy, có cũng được, không có cũng được.
Thống kê cho thấy đến nay mới chỉ có 13% điều kiện kinh doanh được cắt giảm. Vì thế Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ phải khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, trình Chính phủ trước ngày 15/8 để Chính phủ ban hành trước 31/10 tới.
Báo Thanh Niên đã nhấn mạnh sự cấp thiết của việc cắt giảm này với bài "Không để tình trạng không làm cũng không sao". Tờ báo này ghi nhận "nguyên tắc là môi trường kinh doanh cần bình đẳng, minh bạch, giảm chi phí cho doanh nghiệp", vì thế cần có tiêu chí đánh giá cán bộ mới, gắn với trách nhiệm rõ ràng, không thể để tình trạng cán bộ, công chức "không làm cũng không sao mà làm không tốt cũng không sao".
Ngoài ra, đến cuối tháng 6, thị trường ngoại tệ vẫn hoạt động ổn định, tỷ giá 6 tháng đầu năm tăng xấp xỉ 1%. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dự trữ ngoại hối đã lên trên 63,5 tỷ USD, thậm chí nguồn cung ngoại tệ còn khá dồi dào do cán cân thương mại thặng dư tới 2,71 tỷ USD. Đây là những số liệu khả quan để giúp bình ổn lại tâm lý doanh nghiệp từ nay cho tới cuối năm.
Để trấn an thị trường và các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, trong tuần qua có ít nhất 2 lần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định với các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước và cộng động quốc tế đó là kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tốt, dự trữ ngoại tệ cũng như các dự trữ khác đều tăng cao. Đặc biệt là không khí đầu tư, kinh doanh trong cả nước đang hết sức sôi động. Điển hình là nửa năm qua đã có trên 20 tỷ USD được các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 65 nghìn doanh nghiệp trong nước được thành lập mới.