"Đánh cược" tính mạng trên những chuyến đò ngang

Hoàng Phú (Ban Thời sự)-Thứ hai, ngày 22/09/2014 09:36 GMT+7

Vào mùa mưa lũ, nước trên sông Đa Dâng đi qua địa bàn huyện Di Linh dâng cao, chảy xiết, nhưng vì cuộc sống, người dân vẫn phải "đánh cược" tính mạng của mình...

Nhiều người dân, chủ phương tiện chuyên chở khách qua sông tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) hiện vẫn còn chủ quan và thờ ơ với những biện pháp an toàn.

Ngày nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng, chuyến đò này liên tục hoạt động để chở khách và phương tiện (xe máy, xe đạp) qua sông. Mỗi lần đò cập bến, tất cả hành khách chen nhau lên bờ, để hành khách và phương tiện khác đợi sẵn trên bờ kịp xuống đò. Đáng nói là những chuyến đò này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn, khách đi đò không hề được trang bị áo phao, trên đò cũng không có dụng cụ cấp cứu phòng khi có sự cố xảy ra. Biết đi đò là nguy hiểm nhưng vì nhu cầu cuộc sống nên hàng trăm người dân của hai xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh và xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà vẫn phải “đánh cược” tính mạng của mình trên những chuyến đò chông chênh, phập phồng lo sợ, trước lưỡi hái tử thần.

Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc tuyến sông Đạ Dâng chảy qua địa bàn các xã Gia Hiệp, Đinh Lạc huyện Di Linh, xã Đan Phương, Tân Thanh huyện Lâm Hà có trên 5 bến đò ngang. Gọi là bến đò nhưng đây chỉ là điểm đưa rước khách, với những chiếc thuyền, bè tự chế chở khách, chở xe hai bánh qua lại đôi bờ với phương tiện thô sơ không đảm bảo an toàn. Các chủ đò chưa được cấp giấy phép hoạt động, lái thuyền chưa được đào tạo nghiệp vụ, thậm chí nhiều chủ đò còn cho vợ, con mình cầm lái thay, trong khi những người này đều không có kinh nghiệm, tay nghề.

Thông quy định của Bộ Giao thông - Vận tải, phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải trang bị đủ số lượng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân, bảo đảm đáp ứng đủ số lượng, chất lượng và được bố trí ở nơi dễ thấy. Mọi hành khách, thuyền viên, người lái phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn. Mặc dù đã có quy định rõ ràng và cụ thể nhưng thực tế tại các bến đò ngang trên địa bàn huyện Di Linh, việc chấp hành của các chủ phương tiện và hành khách vẫn chưa nghiêm túc.

Ông K Wé, Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng cho hay, địa phương biết chủ các phương tiện chở khách qua sông chấp hành chưa nghiêm quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đã có kiểm tra, lập biên bản nhắc nhở, nhưng chỉ được một thời gian thì đâu lại vào đó.

Thực tế cho thấy, cơ quan chức năng cấp tỉnh, huyện có kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các chủ bến đò, phương tiện và người lái, song sau xử phạt đâu lại vào đó. Bến “chui” vẫn cứ hoạt động, đò ngang quá tải vẫn cứ đầy, khách qua sông vẫn không ai được mặc áo phao, không được sử dụng các phương tiện cứu hộ...

Để giải quyết tình trạng này, ngoài sự nỗ lực của các lực lượng chức năng thì cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương; các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyền truyền; lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là tại các bến đò ngang; đình chỉ hoạt động các bến đò trái phép, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn... góp phần đảm bảo sự an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi qua sông.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước