Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. Ảnh :Nguyễn Hoàng/TTXVN
Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 23/5 cho biết: Tổng cục đã có văn bản gửi tới UBND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ một số vấn đề nổi cộm liên quan đến hoạt động du lịch và đề xuất một số nội dung nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ trên vịnh Hạ Long.
Tổng cục Du lịch cũng đề nghị UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo triển khai để góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa trên Vịnh Hạ Long; nghiêm túc triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 3/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch đảm bảo an ninh an, toàn cho khách du lịch, Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 2/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triến du lịch.
Tổng cục Du lịch nêu rõ: Trong những năm gần đây, trên vịnh Hạ Long liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến phương tiện vận chuyển khách du lịch, gây thiệt lớn về tài sản và tính mạng du khách. Gần đây nhất ngày 6/5/2016, xảy ra vụ cháy tàu du lịch Aphrodite tại Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu, nhiều du khách trên tàu đã nhảy xuống biển để thoát nạn. Tuy không có thiệt hại về người song vụ cháy đã gây thiệt hại lớn về tài sản, đặc biệt là gây tâm lý lo ngại cho khách thăm quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long. Điều này cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dịch vụ và thương hiệu điểm đến vịnh Hạ Long.
Bên cạnh những vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn của tàu vận chuyển khách du lịch tham quan, lưu trú trên Vịnh Hạ Long, tình trạng “chặt chém”, ép giá và ứng xử thiếu văn minh, lịch sự với khách du lịch vẫn xảy ra. Điển hình là vụ việc tàu khách du lịch Hồng Long có hành vi ứng xử thiếu minh bạch, “chặt chém” đoàn khách du lịch Việt Nam thăm quan Vịnh Hạ Long vào ngày 15/5/2016. Vụ việc này được đăng tải trên các trang thông tin đã khiến dư luận bức xúc, làm xấu hình ảnh du lịch Hạ Long nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Thêm vào đó, dù đã được khuyến cao, nhiều biện pháp chấn chỉnh được triển khai, công tác quản lý được tăng cường song các vụ đắm tàu, cháy tàu du lịch; tình trạng “chặt chém”, ép giá và ứng xử thiếu văn minh, lịch sự với khách du lịch vẫn tồn tại và chưa được kiếm soát triệt để...
Trước thực trạng trên, Tổng cục Du lịch đề nghị tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các ban ngành liên quan tăng cường quản lý, triển khai các biện pháp đồng bộ để bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch và tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long. Trong đó, Quảng Ninh cần đặc biệt là chú trọng việc đăng kí, đăng kiểm; phòng chống cháy nổ, tập huấn cứu hộ, cứu nạn đối các tàu du lịch, nhà hàng nối trên vịnh Hạ Long. Tỉnh cần tiến hành rà soát đội tàu du lịch trên địa bàn, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành các quy định nhằm nâng cao chỉ số an toàn, kỹ thuật đối với tàu vận chuyển khách thăm quan, lưu trú du lịch. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với tàu vận chuyển khách du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn. Các đơn vị chức năng cũng cần xử lý nghiêm khắc, dừng hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ và có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Các đơn vị cung ứng dịch vụ cần niêm yết công khai giá, chất lượng dịch vụ du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm thông tin du khách, đường dây nóng để kịp thời kiểm soát chất lượng và giá dịch vụ du lịch trên địa bàn. Tỉnh Quảng Ninh cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực du lịch trên địa bàn, nâng cao ý thức trách nhiệm, ứng xử văn minh thân thiện với du khách, xây dựng hình ảnh, chất lượng dịch vụ tại điểm đến và lấy lại niềm tin của du khách khi du lịch Vịnh Hạ Long.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.