Đại biểu Quốc hội lo ngại tình hình tội phạm diễn biến phức tạp

Quang Hiệu (thoisu@vtv.vn)-Thứ bảy, ngày 25/10/2014 22:37 GMT+7

Tại phiên thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, các ĐBQH đã bày tỏ lo ngại tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp.

Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng, đã khởi tố điều tra gần 26.000 vụ với gần 56.000 bị can liên quan đến tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, giảm 1,59% về số vụ. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng hôm nay (25/10), các Đại biểu Quốc hội một mặt đánh giá cao những nỗ lực của ngành công an, song các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về tình hình tội phạm vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Khá, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, sự lo ngại là gần đây đang nổi lên những loại hình tội phạm mới, đó là tội phạm giết người tàn bạo, man rợ, chặt xác phi tang, băng nhóm tội phạm bảo kê, đòi nợ thuê khiến dư luận hết sức lo lắng và bất bình.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá nói: Bản thân tôi cũng như dư luận trong nhân dân rất bức xúc trước sự xuống cấp đạo đức, lối sống xa đọa biến chất, hiểu biết pháp luật của một bộ phận nhân dân còn quá thấp kém. Điển hình như vụ hai vợ chồng người em giết vợ chồng người anh chỉ vì tranh giành miếng đất. Họ hiểu pháp luật như thế nào khi chỉ cần giết người, tranh giành thì mình sẽ được thừa hưởng không còn ai tranh chấp nữa?

Đại biểu Trịnh Thanh Bình, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: "Trong một đất nước thái bình mà hàng ngày có nhiều người bị giết hại, đề nghị Chính phủ và các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm đến tình hình này".

Dẫn chứng con số hơn 3.000 người lĩnh án tù nhưng lại vẫn đang nhởn nhơ ngoài xã hội, trong số đó có tới gần 1.500 người bị truy nã nhiều năm nhưng chưa bắt được, đại biểu Nguyễn Thái Học, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng, đây là một sự yếu kém trong công tác thi hành án dân sự. Ông nói: "3.000 người này làm gì, ở đâu, đã thực hiện những hành vi gì tiếp theo nguy hiểm cho xã hội, thực tế này cũng cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật không được thực hiện khiến cử tri, thân nhân gia đình người bị hại trong những vụ án này rất bức xúc".

Giám định là công tác hết sức quan trọng trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử. Bởi kết luận giám định chính là căn cứ để xác định có hay không hành vi phạm tội. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng, công tác này vẫn còn rất nhiều bất cập.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa, Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng: Đối tượng phạm tội vừa có rất nhiều tiền, vừa có mối quan hệ mật thiết rộng rãi với nhiều quan chức nhà nước nên những người làm công tác giám định vì sợ liên lụy, sợ trả thù hoặc vì nhiều lý do khác nhau trong đó có cả những lý do rất tế nhị nên bắt buộc tìm mọi cách trì hoãn việc giám định.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác thi hành án và Báo cáo thẩm tra của các báo cáo này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước