Tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới được hiểu là quá trình phân bổ lại nguồn lực, trước hết là vốn đầu tư, trên phạm vi quốc gia nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung. Thế nhưng cũng chính từ đây, phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội, được báo chí phản ánh đã cho thấy những thực trạng lo ngại.
Trong khi nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, đầu tư trong nước trong nhiều trường hợp đã không mang lại hiệu quả. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương của Quảng Bình đề cập đến các dự án lớn gây lãng phí trên 30.000 tỷ đồng thời gian qua.
Năm dự án là xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình và nhiên liệu sinh học Dung Quất. Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra được cái chung, nhưng chưa đi vào những nội dung cụ thể trong thất thoát, lãng phí vốn đầu tư, cũng như trách nhiệm của cá nhân và tổ chức, và đại biểu Quốc hội coi báo cáo thẩm tra như trên là chỉ "bắn chỉ thiên".
Trong các phiên thảo luận, nội dung tái cơ cấu nông nghiệp cũng đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nút thắt lớn nhất cản trở quá trình tái cơ cấu nông nghiệp vẫn là vấn đề đất đai.
Bà Nguyễn Thị Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đề xuất, để tập trung ruộng đất cho sản xuất lớn, "hình thức doanh nghiệp thuê đất của người dân có thời hạn từ 5 đến 10 năm có tính khả thi và hiệu quả cao hơn, vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, vừa khắc phục được tâm lý sợ mất ruộng của người dân".
Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng tăng hạn mức, tiến tới dỡ bỏ hạn mức đất nông nghiệp. Đề xuất này xuất
phát từ thực tế hiện nay tại
thành phố Hải Phòng có những nông dân đã tích tụ được đến 40-100 ha đất nông
nghiệp, do vậy hạn mức giao đất nông nghiệp là quá thấp so với thực tiễn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!