"Thời gian vừa qua Hà Nội đã trải qua những cảnh báo liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí. Đặc biệt, chưa bao giờ người dân Hà Nội lại trải qua những cảnh báo ô nhiễm không khí đề nghị người dân ở nhà, đóng cửa sổ vào, không ra ngoài trời…", bà Khánh cho biết tại phiên thảo luận ở Tổ về dự thảo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào sáng nay (11/6).
Đại biểu Nguyễn Thị Quốc Khánh
Theo bà Khánh, ô nhiễm không khí tác động ngay vào sự sống, cho nên chúng ta cần phải bảo vệ môi trường không khí tốt hơn. Do đó đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm về bảo vệ không khí, cụ thể là trách nhiệm Bộ TNMT.
"Nơi nào để xảy ra ô nhiễm thì Bộ TNMT phải xử lý dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, không để xử lý xảy ra sai phạm lại không biết kêu ai", bà Khánh nhấn mạnh.
Cùng với môi trường không khí, đại biểu Khánh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng những quy định cụ thể hơn về an ninh nguồn nước.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng những quy định cụ thể hơn về an ninh nguồn nước
"Chúng ta thấy năm 2019 đã xảy ra vấn đề ô nhiễm ở Nhà máy nước sông đà. Vấn đề này suýt nữa gây nên những hậu quả nguy hiểm cho hàng triệu người dân trên địa bàn Thủ đô. Sau khi sự cố xảy ra từ Trung ương đến địa phương mới giật mình về vấn đề an ninh nguồn nước", bà Khánh cho biết.
Vấn đề trách nhiệm
Cũng góp ý về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), theo bà Khánh cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm của những cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề bảo vệ môi trường.
"Chúng ta mới chỉ nói đến những hành vi của tổ chức cá nhân gây tác động môi trường. Ví dụ, có những địa phương ô nhiễm lâu quá, dân kêu nhiều quá nhưng không chú trọng đến vấn đề này", bà Khánh cho biết.
Cùng đề cập với vấn đề trách nhiệm trong một góc nhìn khác, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho biết cần phải gắn trách nhiệm với các hộ gia đình.
"Trong luật cũng đã có nêu, nhưng nếu người dân không chấp hành thì chúng ta phải làm thế nào?", bà Hạnh đặt câu hỏi.
Theo bà Hạnh, bước đầu có thể vận động nhưng về lâu dài cần có nền nếp. "Nếu không chấp hành, về lâu dài phải có cơ chế xử lý. Nếu không đúng bao bì thì từ chối thu gom, vậy người dân vứt rác thì phải làm thế nào?", bà Hạnh nhấn mạnh.
Đại biểu đoàn Bình Phước đề xuất với ban soạn thảo dự án luật cần có nghiên cứu kỹ hơn việc này và quy định chặt chẽ hơn trong luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!