Cứu sống chàng trai mắc bệnh Whitmore “thập tử nhất sinh”

Thu Thủy-Thứ năm, ngày 15/09/2016 14:29 GMT+7

Sức khỏe của anh Cao Văn Thêm đang có tiến triển tốt.

VTV.vn - Ngày 15/9, Bệnh viện Bạch Mai vừa thông báo, cứu thành công một trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.

Anh Cao Văn Thêm, 25 tuổi (Thanh Hóa), mắc bệnh Whitmore vừa được các bác sĩ cứu sống tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, hiện đã ngồi dậy được, hoàn toàn tỉnh táo.

Trao đổi với phóng viên VTV News, mẹ của anh Thêm cho biết, lúc đầu anh Thêm thấy đầu gối sưng, đau người, đau chân. Sau đó, gia đình đưa anh đi khám tại bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, bác sỹ chẩn đoán anh bị viêm khớp gối. Tuy nhiên, sau đó anh không thấy đỡ, mà đau người nhiều hơn, sốt cao li bì nhiều ngày liền, nên đã đưa anh lên Bệnh viện Bạch Mai.

"Thực sự gia đình đã không còn hy vọng, khi nhập viện bác sĩ nói tình trạng bệnh nặng, 90% có khả năng tử vong, nhưng gia đình đã vô cùng may mắn, được các bác sĩ điều trị kịp thời, chăm sóc, giúp đỡ rất nhiều. Hôm nay con tôi đã thoát chết, vô cùng biết ơn các bác sĩ" – mẹ anh Thêm xúc động chia sẻ.

Cứu sống chàng trai mắc bệnh Whitmore “thập tử nhất sinh” - Ảnh 1.

Anh Thêm đã hoàn toàn tỉnh táo.

Bác sĩ Ngô Thị Phương Nhung, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, điều trị trực tiếp cho bệnh nhân chia sẻ, anh Thêm vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, bị sốc nhiễm khuẩn kèm theo suy gan, suy thận, suy hô hấp nặng, áp xe gối phải, nhiễm trùng máu.

Qua nhiều lần lấy máu xét nghiệm, các bác sĩ đã kết luận anh bị bệnh nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực: thở máy, kiểm soát các chức năng gan thận, và yếu tố quan trọng là sử dụng kháng sinh sớm, kịp thời, duy trì điều trị kháng sinh kéo dài, đúng loại.

Hiện tại sau một tháng điều trị, anh Cao Văn Thêm đã hết sốt, hết suy hô hấp, phổi cải thiện tốt, ho khạc tốt.

Cứu sống chàng trai mắc bệnh Whitmore “thập tử nhất sinh” - Ảnh 2.

Anh Thêm hiện có thể nói chuyện được với mọi người.

Trao đổi với phóng viên VTV News về quá trình điều trị bệnh nhân, bác sĩ Ngô Thị Phương Nhung chia sẻ: Trong quá trình cứu sống bệnh nhân, công sức của bác sĩ chỉ khoảng 50%, 50% còn lại về mặt điều trị là phụ thuộc vào chế độ chăm sóc và dinh dưỡng. Hàng ngày bệnh nhân được điều chỉnh chế độ ăn, ngoài việc cho bệnh nhân ăn bằng đường xông thì có truyền thêm dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch cho bệnh nhân.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm có cảnh báo, những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, khi có biểu hiện sốt liên tục nên nghĩ đến Whitmore và cần đi đến bệnh viện để khám, không được chủ quan.

Bệnh do trực khuẩn B.pseudomallei gây ra không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu, có thể gặp các thể bệnh lâm sàng khác nhau: viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết… Bệnh Whitmore diễn biến nặng, khi xuất hiện sốc, tỷ lệ tử vong rất cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước