Ông Weblndell Fritz Schoutz, Cựu chiến binh Mỹ. Ảnh: vTV Online
Có một
cựu chiến binh Mỹ khi biết có phóng viên THVN đang làm việc trên đất Mỹ, đã bay 6 giờ đồng hồ tìm đến để nhờ tìm kiếm một người lính Cộng sản Bắc Việt là chủ nhân của cuốn nhật ký và những tấm ảnh mà người cựu chiến binh này nhặt được tại chiến trường Việt Nam.
Chúng ta hãy cùng lắng nghe cuộc trò chuyện của phóng viên Truyền hình Việt Nam với cựu chiến binh Mỹ này, nghe câu chuyện về cuốn nhật ký bị thất lạc đã gần nửa thế kỷ, để thấy rằng, khi chiến tranh qua đi, thì tình người vẫn còn ở lại, dù đó là giữa những con người đã từng ở hai đầu chiến tuyến.
Chi tiết nội dung cuộc trao đổi:
Ông Weblndell Fritz Schoutz, Cựu chiến binh Mỹ kể lại: “Ngày 17/3/1968, trong trận đánh cuối cùng của tôi ở Việt Nam, chúng tôi đã nhặt được một số ba lô của Bộ đội Bắc Việt. Chúng tôi đã lấy và giữ để kiểm tra xem có thông tin gì hay không. Cuốn nhật ký này và một số ảnh được tìm thấy trong một ba lô như vậy.
Ông nhặt được nó ở đâu?
Ông Weblndell Fritz Schoutz: Ở đâu à? Kon Tum. Chỗ đó được gọi là Đồi 1064. Trên đỉnh đồi. Chỗ đó tôi nhớ gần biên giới Lào và Campuchia.
Thực ra trong cuốn sổ này chủ yếu là ghi chép các bài hát, bài thơ. Đó là những bài thơ tình, bài hát lãng mạng, cả các bản nhạc. Cũng có rất nhiều các bài hát, bài thơ cách mạng của Việt Nam. Dường như cứ khi hành quân đến đâu thì người lính này lại ghi lại một bài hát, bài thơ để đánh dấu địa danh mình đã tới. Thanh Hóa, Quảng Bình, rồi cả Lào nữa.
Ông Weblndell Fritz Schoutz: Sau khi được các anh dịch cho nghe một số nội dung, ấn tượng của tôi là tôi thấy đây là một người lính Cộng sản có tâm hồn nghệ sỹ, có năng khiếu thơ văn, âm nhạc… và nếu không phải là chiến tranh, thì anh ta có thể là một người bạn rất thú vị. Nhưng vì hoàn cảnh chính trị lúc đó, nên chúng tôi đã phải đối đầu với nhau. Dù sao tôi cũng rất tôn trọng người lính này và những người lính Cộng sản Bắc Việt nói chung, vì họ là những đối thủ rất khôn ngoan, lanh lẹ và cũng rất dũng cảm. Lúc đó thì chỉ là câu chuyện của ai rút súng nhanh hơn, hoặc là tôi bắn anh ta, hoặc anh ta bắn tôi. Thật là điên rồ. Nhưng bây giờ, chúng ta xích lại gần nhau, là bạn bè. Thời gian trôi qua và mọi việc cũ cũng sẽ qua đi.
‘ Một bài viết trong cuốn nhật ký
Khi nhìn thấy bức ảnh này trong túi cùng với nhật ký, tôi nghĩ đây là ảnh của người lính với vợ hay bạn gái. Chiến tranh, đánh nhau… nhưng người lính, bên nào cũng vậy, cũng là con người, ai cũng có gia đình. Những tấm hình như thế này rất đáng trân trọng.
Hãy xem tấm ảnh cô gái trẻ này. Đằng sau có ghi “Để nhớ mãi kỷ niệm của chúng mình”. Ký tên: Ngọc Lan. Đó là tên cô gái. Có vẻ như là người lính Cộng sản này rất đào hoa.
‘ Những hình ảnh trong cuốn nhật ký
Ông Weblndell Fritz Schoutz: Đúng vậy.
Có cả mấy địa chỉ ngay ở đầu cuốn sổ. Có thể là người thân của người lính. Tất cả đều ở Hà Nội. Bác Lê Đào Tài, 23 Đồng Nhân, khối 35, Hai Bà Trưng; Phan Văn Trung, Đài Truyền thanh Hà Nội; Trương Bá Cao, 10 Hàng Bè; Nghiêm Vượng, Trần Kỳ, 19 Phố Huế. Và ai đó tên là Cự, Nhà máy cơ khí Minh Nam.
Ông Weblndell Fritz Schoutz: Nếu đổi vị trí tôi vào hoàn cảnh của người lính Bắc Việt, hành quân hàng trăm cây số, chiến đấu và giữ một quyển nhật ký trong nhiều năm, rồi mất nó và đã tưởng rằng sẽ mất mãi mãi… rồi bất thình lình 45, 46 năm sau, bất ngờ ai đó nói với tôi: “Này tôi có quyển sổ anh ghi chép từ khi còn trẻ đấy”, thì tôi sẽ vui mừng tột độ. Và tôi hy vọng là người lính Việt Nam kia vẫn còn sống để tôi có thể trả lại cuốn nhật ký này, hoặc cho gia đình của anh ấy. Đó là hy vọng mỏng manh của tôi.