Quan điểm này, có vẻ như trái ngược với những kiến nghị của nhóm chuyên gia vừa gửi lên UBND TP.HCM. Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo hướng nào, hiện vẫn đang gây nhiều ý kiến trái chiều.
Quan điểm của Công ty tư vấn ADPi là không nên xây đường bay thứ 3 ở phía Bắc do chi phí giải phóng mặt bằng cao, gây ô nhiễm và tiếng ồn. Việc mở rộng về phía Bắc cũng gặp nhiều bất lợi, do đó, phương án tối ưu là mở rộng về phía Nam. Ngoài ra, nên giới hạn công suất khai thác đến năm 2025 ở mức 50 triệu lượt hành khách.
Ông Đặng Tuấn Tú - Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cho rằng, đứng ở góc độ khai thác thì việc mở rộng sân bay về phía Nam sẽ thuận lợi trong việc kết nối trong sân bay bởi khu vực này đang có sẵn hạ tầng.
Tuy nhiên, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam là không hợp lý. Bởi hiện sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải, cửa ngõ phía Nam thường xuyên xảy ra ùn tắc, kẹt xe kéo dài. Xung quanh là khu dân cư, nên nếu mở rộng về phía Nam, tình trạng kẹt xe còn trầm trọng hơn và chi phí để xử lý sẽ đội lên rất nhiều.
Nhóm chuyên gia Hội Cầu đường Cảng TP.HCM cũng cho rằng, những phương án mà Công ty tư vấn ADPi đưa ra chỉ phù hợp trong phạm vi sân bay Tân Sơn Nhất chứ chưa có kết nối với quy hoạch đô thị. Trong khi đó, TP.HCM xác định sân bay Tân Sơn Nhất là mô hình đô thị sân bay, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế vùng.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo đến năm 2025, nhu cầu vận chuyển hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ vào khoảng 78 triệu lượt/năm, cao hơn nhiều mức dự báo của Công ty tư vấn ADPi là 50 triệu lượt. Do đó, TP.HCM đề nghị Bộ GTVT cần xác định chính xác thời gian mãn tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt là trong trường hợp sân bay Long Thành không kịp tiến độ đưa vào sử dụng vào năm 2025.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!