Sáng nay (26/7), tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ 16 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm 2019.
"Chúng ta không chùng lại, thậm chí phải làm quyết liệt hơn" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh thông điệp này về hướng xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng tiêu cực trong thời gian tới; đồng thời cho biết kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước nói chung, các cơ quan phòng chống tham nhũng nói riêng những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, chứng minh làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý.
Các cơ quan chức năng đã phối hợp kết thúc xác minh, giải quyết 24 vụ việc; mở rộng điều tra, khởi tố mới 5 vụ án, phục hồi điều tra 4 vụ án, khởi tố thêm 26 bị can. Các cơ quan chức năng đã xét xử kịp thời, nghiêm minh 4 vụ án nghiêm trọng phức tạp như: vụ án xảy ra tại Vinashin; vụ án "sử dụng mạng Internet đánh bạc" xảy ra ở Phú Thọ và một số địa phương, vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đông Á, vụ án xảy ra tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố; đồng thời mở rộng điều tra, làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông MobiFone, các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ; khởi tố điều tra vụ án xảy ra tại Công ty gang thép Thái Nguyên; tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng tài sản liên quan các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo với giá trị tài sản trên 10.000 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các địa phương đã khởi tố 176 vụ án và 425 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ (tăng 13,5% về vụ và 32,8% về số bị can so với cùng kỳ năm 2018).
Cũng từ đầu năm đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm Tra trung ương đã kỷ luật với 1 tổ chức đảng, 13 đảng viên cả đương chức và nghỉ hưu. Nhiều quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước liên quan đến phòng chống tham nhũng đã được xây dựng ban hành, nhất là các quy định về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp.
Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định những kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, trong đó có kết quả của 6 tháng đầu năm nay đã tiếp tục khẳng định quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh lại thông điệp cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng không chùng lại, thậm chí phải làm quyết liệt hơn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng ghi nhận những kết quả phòng chống tham nhũng ở địa phương, chuyển biến nhận thức trong xử lý tham nhũng vặt, thu hồi tài sản, giảm hẳn tình trạng xử án nhẹ, xử án treo... Tuy nhiên một bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống tham nhũng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao đó là quy chế phối hợp, sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng trong xử lý các vụ án, vụ việc, tạo sự thống nhất cao.
Quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là các cơ quan chức năng có thể có những ý kiến khác nhau, nhưng vụ việc cần phải được giải quyết trên tinh thần tập trung dân chủ, phải vì lợi ích của đất nước, không cho phép cá nhân nào được mưu đồ lợi ích riêng tư.
Với những công việc trọng tâm trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tất cả hệ thống chính trị, đặc biệt những cán bộ, những cơ quan mang trọng trách, đóng vai trò quan trọng trong phòng chống tham nhũng phải gương mẫu, đi đầu, không được dao động, ngập ngừng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh quan điểm kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước nói chung, các cơ quan phòng chống tham nhũng nói riêng những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.
Nhấn mạnh, giai đoạn tới đây, công việc trọng tâm là chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh dứt khoát không để lọt những người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống vào cấp ủy.
Tại phiên họp hôm nay, đối với một số công việc cụ thể, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng thống nhất chỉ đạo khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc; triển khai thanh tra chuyên đề về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Bình Phước và Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.
Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn" vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; báo cáo kết quả kiểm tra chuyên đề công tác thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; cho ý kiến vào Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định số 163 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo để hoàn thiện, trình Bộ Chính trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!