Bị can sẽ được thông báo về việc ghi âm, ghi hình trước khi hỏi cung. Trong quá trình hỏi cung, nếu cán bộ điều tra tạm dừng việc ghi âm, ghi hình thì phải ghi vào biên bản hỏi cung về thời gian và lý do tạm dừng. Dữ liệu ghi âm, ghi hình sẽ được niêm phong do Cơ quan điều tra lưu trữ, đồng thời phải lưu trên máy chủ tại phòng trung tâm phục vụ việc sao lưu. Việc triển khai cũng được áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tránh cắt ghép, làm sai lệch dữ liệu ghi âm, ghi hình.
Việc triển khai ghi âm, ghi hình khi hỏi cung không chỉ chống bức cung, nhục hình; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tố tụng hình sự, hạn chế việc phản cung mà còn giúp trình độ cán bộ hỏi cung ngày càng tốt hơn.
Quy định ghi âm, ghi hình trong hoạt động tố tụng hình sự được đánh giá là sự tiến bộ, là bước ngoặt trong hoạt động tố tụng giúp người dân có niềm tin hơn vào công lý. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần có quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục tiếp cận bản ghi âm, ghi hình của bị can, bị cáo, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Sau gần 3 năm thí điểm triển khai hệ thống ghi âm, ghi hình, các cơ quan chức năng đã lắp đặt được 42 phòng hỏi cung thuộc 11 địa điểm tại 5 đơn vị. Kết quả mang lại rất khả quan nên sẽ chính thức nhân rộng ra khắp các tỉnh thành trên cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!