Có 30 người muốn được hiến phổi cứu phi công người Anh

PV-Thứ sáu, ngày 15/05/2020 07:19 GMT+7

Một ca ghép phổi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Ảnh: SKĐS)

VTV.vn - Dù không quen biết bệnh nhân 91 nhưng nhiều người có tâm nguyện được san sẻ một phần cơ thể mình để cứu bệnh nhân COVID-19 nặng nhất tại Việt Nam hiện nay.

Theo thông tin từ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, tính đến tối 14/5, 30 người đã liên lạc với trung tâm xin hiến một phần lá phổi để cứu nam phi công người Anh mắc COVID-19 nặng nhất tại Việt Nam hiện nay.

Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, trong số 30 người này, người trẻ nhất mới 35 tuổi. Có người gọi điện thoại, có người liên lạc qua fanpage của trung tâm, tất cả đều không quen biết bệnh nhân 91 nhưng đều có tâm nguyện được san sẻ một phần cơ thể mình để cứu bệnh nhân. Rất nhiều người đã cung cấp đầy đủ thông tin về nhóm máu, chiều cao, cân nặng.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc trung tâm chia sẻ, đây là những nghĩa cử vô cùng đáng trân trọng của cộng đồng, thông điệp yêu thương đã lan toả rất nhanh chỉ sau hơn 1 ngày. Dù vậy, trường hợp có chỉ định ghép phổi cho bệnh nhân 91, ưu tiên hàng đầu vẫn làm tìm được nguồn tạng hiến từ người cho chết não. Những trường hợp đăng ký hiến sống sẽ được chọn là phương án 2 khi không thể tìm được nguồn từ người cho chết não.

Liên quan đến quy trình ghép phổi cho BN91, Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, trong lần hội chẩn gần đây nhất đã có sự phân công phân nhiệm cụ thể cho các đơn vị. Theo đó, Bệnh viện Việt Đức và Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người được giao tìm nguồn cho tạng đủ điều kiện ghép phổi.

Để chuẩn bị ghép, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng Hội đồng chuyên môn tiếp tục hội chẩn điều trị tổn thương phổi và tình trạng nhiễm trùng, thay các catheter, kiểm soát các nguồn nhiễm trùng; nuôi cấy virus đến khi xét nghiêm âm tính với SARS-CoV-2.

Khi được khẳng định âm tính, bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy, tiếp tục hồi sức tốt để đủ điều kiện ghép. Bệnh viện Chợ Rẫy được giao phối hợp với Bệnh viện Việt Đức nỗ lực tìm kiếm nguồn cho tạng và chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị phục vụ ghép phổi cho bệnh nhân 91.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh đang nghiên cứu, xem xét các văn bản quy định pháp lý, xác định chi phí điều trị, chi phí ghép để tìm kiếm nguồn tài trợ.

Được biết, chi phí trung bình cho một ca ghép phổi từ 1,5 – 2 tỉ đồng và nhiều hơn tùy thuộc vào thời gian hồi sức sau ghép.

Những yêu cầu cần đáp ứng khi ghép phổi

Ghép phổi cần tuân thủ nhiều chỉ định, việc ghép phổi quan trọng nhất là bệnh nhân nguy kịch, nếu ghép tỉ lệ phải đạt lợi ích sống thêm, tỉ lệ cao thì mới ghép.

Để biết sau khi ghép phổi liệu có thành công không, kéo dài sự sống cho bệnh nhân hay không thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố và thể trạng bệnh nhân như tình trạng tim, gan, thận, thần kinh. Về mặt chuyên môn phải đánh giá toàn trạng trên các chỉ số rất rõ rệt như sinh hoá máu, tất cả những chỉ số liên quan.

Bệnh nhân 91 nếu ghép phổi cần đáp ứng được hết những yêu cầu trên. Tuy nhiên khi chọn phổi để ghép sẽ chọn người cho đã chết não và đồng ý hiến tạng. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết chỉ 25% số người hiến tạng có phổi ghép tương thích vì phổi là cơ quan dễ tổn thương, thực hiện ghép phổi rất khó. Trên thế giới cũng rất ít áp dụng kỹ thuật này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước