Chuyển nhượng các dự án hạ tầng GT: Sẽ được đẩy mạnh

Đặng Tú (Thời sự - thoisu@vtv.vn)-Thứ hai, ngày 03/11/2014 19:31 GMT+7

Ảnh minh họa

Sẽ chuyển nhượng nhiều dự án hạ tầng giao thông để lấy nguồn vốn tiếp tục đầu tư cho các dự án giao thông khác.

Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam chủ đầu tư dự án BOT đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vừa ký hợp đồng nguyên tắc bán 70% cổ phần tại dự án này cho Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Ấn Độ. Đây được coi là sự mở đầu cho chủ trương chuyển nhượng nhiều dự án hạ tầng giao thông cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để lấy nguồn vốn tiếp tục đầu tư cho các dự án khác mà Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - Dự án có phần vốn Nhà nước sẽ là một trong những dự án đầu tiên được tổng công ty đường cao tốc Việt Nam lên phương án chuyển nhượng. Đại diện doanh nghiệp cho biết, nếu việc chuyển nhượng thành công sẽ mang lại cho tổng công ty một nguồn kinh phí không nhỏ để tiếp tục tái đầu tư các dự án đường cao tốc khác.

Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam cho biết: “Dự án này đã được Thủ tướng phê duyệt trong đề án tái cơ cấu và chúng tôi có thể sẽ thành lập các công ty cổ phần dự án để cùng khai thác”.

Hiện tại, Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam cũng đang lên phương án chuyển nhượng nhiều tuyến cao tốc khác với tổng mức đầu tư gần 6 tỷ USD. Quan điểm chung của Bộ GTVT sẽ không giới hạn tỷ lệ chuyển giao dự án cho các nhà đầu tư nếu như những dự án này nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ.

Ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng ban Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công – tư, Bộ GTVT nói: “Tất cả chuyển nhượng này chúng tôi đều có thời hạn chuyển nhượng và quản lý các tuyến, để khi có những nhiệm vụ khẩn cấp của quốc gia thì chúng ta vẫn hoàn toàn chủ động”.

Đại diện Bộ GTVT cho biết: "Nếu thay đổi tư duy đầu tư theo hướng hợp tác công tư không những giảm áp lực về nợ công mà hoàn toàn có thể thực hiện mục tiêu đầu tư xây dựng 2.000 km đường cao tốc. Trong khi đó vẫn quản lý được chất lượng các công trình giao thông".

Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục quản lý xây dựng và chất lượng CTGT, Bộ GTVT chia sẻ: “Để quản lý được chất lượng chúng ta có thể thông qua các hồ sơ mời thầu, chào hàng”.

Ngoài các dự án đường giao thông, hiện Bộ GTVT còn xây dựng cơ chế để chuyển nhượng các dự án hạ tầng khác như nhà ga hàng không, đường sắt, cảng biển...

Đại diện Bộ GTVT khẳng định: Khi xây dựng phương án để chuyển nhượng, các chủ đầu tư và các cơ quan chức năng phải qua đàm phán công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước