Nông dân phá hợp đồng, doanh nghiệp cũng phá hợp đồng. Cả hai phía sẵn sàng phá bỏ hợp đồng khi thị trường không ổn định hoặc nhận thấy có những nguồn lợi trước mắt. Vấn đề không chỉ đơn thuần là hợp đồng tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp. Xa hơn, đó là cam kết của từng mắt xích trong chuỗi liên kết: sản xuất - tiêu thụ - chế biến và xuất khẩu.
Cách đây 3 tháng, hàng trăm tấn bí xanh của nông dân huyện Chư Sê, Chư Pưh tỉnh Gia Lai phải bỏ thối ngoài đồng vì doanh nghiệp ngừng thu mua. Đến vụ thu hoạch, nông dân không thể liên lạc được với số điện thoại doanh nghiệp ghi trong hợp đồng.
Còn tại Phú Yên, nông dân đã bán 40% diện tích mía nguyên liệu đã ký với nhà máy khi thị trường trả giá cao hơn doanh nghiệp.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm có hàng nghìn hợp đồng tiêu thụ cá tra giữa hộ nuôi và doanh nghiệp được kí kết. Thế nhưng cứ đến thời điểm giá cá tra biến động thì hợp đồng lại thành vô tác dụng.
Năm 2014 -2015, chỉ có 8 trên 17 doanh nghiệp thực hiện mua lúa theo hợp đồng đã ký kết trực tiếp với nông dân và hợp tác xã.
Điểm chung của các vụ phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân là nội dung hợp đồng liên kết lỏng lẻo, thiếu những quy định chế tài cụ thể khiến việc thực hiện hợp đồng mang tính nửa vời. Nông dân bị doanh nghiệp chiếm dụng vốn bằng hình thức trả chậm. Còn doanh nghiệp thì không mua được nông sản khi giá thị trường tăng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!