Chiều ngày 20/7, Chủ tịch Quốc hội Bangladesh Shirin Sharmin Chaudhury đã tới Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tại buổi hội đàm diễn ra ngay sau lễ đón, hai bên nhất trí nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng, đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Bangladesh kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng của chuyến thăm này.
Chủ tịch Quốc hội Bangladesh Shirin Sharmin Chaudhury cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Quốc hội Việt Nam; tin tưởng chuyến thăm sẽ mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội.
Tại cuộc hội đàm, hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước không ngừng phát triển. Quan hệ chính trị được tăng cường. Hợp tác kinh tế, thương mại phát triển. Năm ngoái kim ngạch thương mại song phương đạt gần 610 triệu USD; nhiều mặt hàng của Việt Nam như gạo, nông sản, thực phẩm, dệt may, giầy dép, hàng điện tử đã trở nên phổ biến với người dân Bangladesh.
Hai bên hoan nghênh việc cùng nhau tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực quốc phòng, thủy sản, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch… và việc hai nước đã ký gia hạn Bản ghi nhớ có thời hạn 5 năm về việc Bangladesh sẽ nhập một triệu tấn gạo mỗi năm từ Việt Nam tháng 5 vừa qua. Hai bên đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông-lâm-ngư nghiệp, chăn nuôi, công nghệ thông tin.
Để phấn đấu sớm đạt mục tiêu 1 tỷ USD theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao, Chủ tịch Quốc hội Bangladesh đề nghị hai bên cần tăng cường công tác giao thương, xúc tiến thương mại và đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, hội thảo... được tổ chức tại mỗi nước. Đồng thời khẳng định: với chính sách mở cửa như hiện nay, Bangladesh sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam đến làm ăn tại Bangladesh.
Phía Việt Nam đánh giá cao việc Bangladesh gần đây cử nhiều đoàn sang trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực: quản lý hành chính, phát triển kinh tế, nông nghiệp, đặc biệt là quan hệ chặt chẽ giữa Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam và Bộ Quản lý Hành chính công Bangladesh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!