Với chủ đề “Đổi mới và sáng tạo để thích ứng trong một thế giới đang thay đổi”, trong bài phát biểu, Chủ tịch nước nhấn mạnh, thế giới và khu vực đang chứng kiến nhiều thay đổi sâu sắc. Toàn cầu hóa và xu thế liên kết kinh tế đa tầng nấc đang mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn cho châu Á - Thái Bình Dương trở thành trung tâm quyền lực mới của thế giới trong thế kỷ 21.
Sau khủng hoảng toàn cầu 2008-2009, khu vực chúng ta vẫn tiếp tục là động lực của phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới. Đồng thời, chúng ta cũng nhận thấy cả trên thế giới cũng như ở khu vực, tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, trên nền tảng tri thức và công nghệ cao đang trở thành xu thế lớn.
Do vậy, “Đổi mới và sáng tạo để thích ứng trong một thế giới đang thay đổi” là sự lựa chọn tất yếu của mọi quốc gia, dân tộc. Nhật Bản và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, sự phục hồi của Nhật Bản gắn liền với sự thịnh vượng chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam hoan nghênh và tiếp tục đặt niềm tin vào thành công của Nhật Bản.
‘ Chủ tịch Trương Tấn Sang phát biểu tại Hạ viện Nhật. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch nước cũng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hợp tác có hiệu quả và trợ giúp tích cực thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ODA và lựa chọn Việt Nam như một điểm đến ưu tiên trong làn sóng đầu tư mới, nhất là đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ, công nghệ sau thu hoạch đối với những sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Đối với các vấn đề khu vực và thế giới, Chủ tịch nước khẳng định: Việt Nam tin rằng, các mục tiêu an ninh, phát triển và vị thế của mỗi quốc gia chỉ đạt được khi mỗi quốc gia gắn vận mệnh của mình với vận mệnh chung của khu vực và thế giới. Trên tinh thần đó, đối với những vấn đề tranh chấp trên biển, Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Các bên liên quan đều phải kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Chiều nay, Chủ tịch nước sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, cuộc hội đàm này được mong đợi sẽ đem lại một tầm cao mới của mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản.
Mời quý vị và các bạn theo dõi thông tin trên qua video dưới đây