Chống tham nhũng: Không phải cứ bắt đi tù…

Gia Hiền-Thứ tư, ngày 12/12/2012 19:08 GMT+7

Hình minh họa

Theo nhiều chuyên gia quốc tế, chống tham nhũng ở các nước đang phát triển như Việt Nam, không phải là bắt được càng nhiều người vào tù càng tốt…

Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi vừa được thông qua. Việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về tự phê bình và phê bình cũng đang được thực hiện hết sức quyết liệt trên phạm vi cả nước…Những động thái của toàn hệ thống chính trị cho thấy: dường như tham nhũng và lãng phí đã trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Đẩy lùi tham nhũng lãng phí đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách không thể chần chừ.

Nhưng từ lời nói đến hành động luôn là một quá trình và chống tham nhũng thực sự cần đến một phương pháp đúng. Theo đó, phòng chống tham nhũng cần được hiện thông qua những cải cách thể chế nhằm triệt tiêu môi trường tham nhũng.
Thực tế, tham nhũng là kết quả của “độc quyền + thiếu minh bạch + thiếu trách nhiệm giải trình.” Và như vậy, chống tham nhũng cần có “cạnh trạnh + minh bạch + trách nhiệm giải trình.”
Đây là 2 phương trình chống tham nhũng tiên tiến nhất hiện nay, là sự tổng kết của thế giới và 2 phương trình này đã chứng tỏ tính đúng đắn của nó tại mọi quốc gia, mọi thể chế chính trị.
Vào năm 1985 khi ông Ronald MacLean-Abaroa trở thành thị trưởng của thành phố La Paz, Bolivia, tình trạng tham nhũng trong bộ máy hành chính công của thành phố đã biến mất. Lý do là ông Ronald đã thực hiện một loạt những cải cách nhằm xã hội hóa các công việc bộ máy hành chính. Công chức nhà nước không thể tham nhũng được nữa bởi họ không còn vị trí độc quyền.
Lấy ví dụ, để giải quyết tình trạng tham nhũng của Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố trong việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng, thành phố đã cho ban hành một bộ tiêu chuẩn về xây dựng hết sức cụ thể. Tiếp theo thành phố cấp phép hoạt động cho 400 văn phòng cấp phép xây dựng tư nhân. Nhờ có sự cạnh tranh, người dân không còn phải hối lộ để được giải quyết thủ tục hành chính. Nhà nước dễ dàng trong hậu kiểm bởi tiêu chuẩn xây dựng rất rõ ràng. 400 văn phòng cấp phép xây dựng tư nhân tự cạnh tranh và giám sát lẫn nhau cũng khiến không ai dám làm sai luật.
Theo ông Ronald MacLean-Abaroa, nguyên Thị trưởng thành phố La Paz, Bolivia: “Điều diễn ra trong những xã hội tập quyền là luôn luôn tồn tại sự mất cân bằng này. Xã hội có một nhu cầu rất lớn về dịch vụ công nhưng lại chỉ rất ít cơ quan và ít người có thể cung cấp dịch vụ này. Và như thế, nó trở thành tình trạng độc quyền. Tham nhũng chẳng qua là biểu hiện của sự mất cân đối cung cầu này. Tôi không xem tham nhũng là một vấn đề của hệ thống pháp luật hay một tội phạm. Nó là một vấn đề của sự phát triển. Và điều sai lầm là chúng ta lại cố gắng xử lý tham nhũng bằng pháp luật. Bằng luật lệ, nghị định, trừng phạt, cảnh sát và công tố viên. Những thứ đó không giải quyết được tham nhũng.”
Những cải cách của ông Ronald tại La Paz dựa trên một nguyên tắc: tham nhũng chỉ xảy ra trong bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước càng nhỏ thì tham nhũng càng ít. Cũng có nghĩa là nếu nhà nước mạnh dạn trả lại những dịch vụ độc quyền của mình cho xã hội dân sự tham nhũng sẽ còn rất ít đất sống.
Theo ông Ronald MacLean-Abaroa: “Tham nhũng chỉ xảy ra khi đó là một dịch vụ công. Nếu là một dịch vụ tư thị trường cạnh tranh sẽ buộc người cung cấp dịch vụ phải cải thiện chất lượng để thu thêm tiền. Đó không còn là tham nhũng nữa. Đó là sự ưu việt của hệ thống tư bản. Môi trường của tham nhũng đã bị thu hẹp lại chỉ còn một địa hạt rất nhỏ. Tất cả những mua bán khác đều là hoạt động thị trường. Và như vậy việc trả tiền để có dịch vụ không còn là tội ác, không còn bị truy sát, không còn bị lên án. Điều quan trọng nữa là thay vì phải nuôi một bộ máy hành chính công thì chính phủ cần phải có một cách nào đó để tạo ra khả năng mua hàng cho người dân. Có thể bằng tiền, bằng voucher hay bằng trợ cấp xã hội gì cũng được nhưng điều quan trọng là tạo ra cho người dân khả năng mua dịch vụ. Vấn đề người nghèo dễ bị tổn thương bởi tham nhũng là bởi họ không có khả năng trả tiền để có dịch vụ.”
Hàng trăm năm nay người ta đã cố gắng để xử phạt những kẻ tham nhũng và trừng trị những người đưa hối lộ. Theo ông Ronald đó là điều cần thiết nhưng không phải giải pháp hiệu quả nhất. Tham nhũng là một vấn đề có tính hệ thống ở các nước đang phát triển không chính thể nào có thể bắt giam 50% hay 80% dân số vào tù vì đưa và nhận hối lộ. Chính vì vậy để ngăn chặn hành động tham nhũng cách tốt nhất là cải cách thể chế. Tham nhũng sẽ không còn đất sống.
Mời Quý vị theo dõi Video để có cái nhìn toàn diện về bản chất khoa học của tham nhũng, những giải pháp và những sáng kiến quốc tế có thể được lựa chọn để áp dụng tại Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước