Gia đình Ông Ksor Khứi ở làng Gri là một trong số các hộ gia đình nằm trong danh sách thiếu đất sản xuất của xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Gia đình ông Khứi có 6 sào đất vườn, thế nhưng đã cho thuê từ nhiều năm nay. Không còn đất để sản xuất, ông phải đi làm thuê, cuốc mướn ngay trên chính mảnh vườn của mình.
Trên thực tế, tình trạng cho thuê đất tự do đã diễn ra từ nhiều năm nay tại các địa phương của tỉnh Gia Lai. Người dân cho thuê với mức giá chỉ khoảng 500.000 cho 1 sào đất, nhưng thời hạn thường kéo dài từ 4-5 năm, thậm chí lên đến 10 năm. Trong khi đó, hầu hết khi cho thuê đất, người dân chỉ thỏa thuận bằng miệng hoặc viết giấy tay với nhau mà không có xác nhận của chính quyền địa phương.
Ông Y Dung, Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh cho biết: "Tình trạng cho thuê đất còn nan giải. Người dân thường thỏa thuận việc cho thuê bằng miệng nên chính quyền khó có thể biết được".
Theo thống kê, tỉnh Gia Lai hiện có gần 10.000 hộ nghèo thiếu đất sản xuất. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều hộ người đồng bào dân tộc thiểu số sau khi được cấp đất đã sang, nhượng lại cho người khác. Tình trạng này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con. Nhiều gia đình đã rơi vào cảnh nghèo túng vì không có đất canh tác. Nếu chính quyền các cấp ở Gia Lai không sớm vào cuộc ngăn chặn tình trạng cho thuê đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rất có thể số hộ nghèo tại khu vực này sẽ ngày một tăng thêm